top of page
Writer's picturehungson1942

TÂM BÚT của TRẦN THỊ BÔNG GIẤY


***BÀI VIẾT CỦA MỘT VĂN HỮU MÀ TÔI TỪNG THEO LỚP HỌC ÂM NHẠC CỦA CÔ TA***


LẠY TRỜI XIN NGƯNG GIÓ!


(Tâm Bút Trần Thị Bông Giấy)

San Jose, April 11, 2022

Mười hai ngày chẳng viết chữ nào. Thời giờ qua như tên bắn, hết sáng đến chiều, hết tối đến khuya, hết nửa đêm đến sáng, tôi cứ thao thức dù ngồi nơi đàn, nằm trên nệm hoặc đi lui đi tới quanh phòng, tâm tư rối bời nghĩ ngợi.

Tôi nghĩ gì? Nhiều lắm.

Nỗi nhớ thương Âu Cơ tàn dần theo công việc không ngớt. Mà, tôi bận gì? Cũng nhiều lắm, dọn hoài không hết căn nhà, quét hoài không sạch lá rơi trên đủ các mùa.

Mãi rồi, mặc kệ, không thèm nhìn đến nữa. Anh Uyên Thao, học trò, bạn hữu, độc giả đều ao ước cho tôi một sự bình tâm. Nhưng kiếm điều ấy ở đâu? Đây không phải là tâm trạng của người lớn tuổi thôi, mà còn là của những con người không lúc nào ngừng suy nghĩ. Cha tôi qua đời khi 44 tuổi (còn quá trẻ). Vài tháng trước đó, tôi 10 tuổi, đã mơ hồ cảm thông được rất sâu sự suy nghĩ của cha khi nhìn cha nằm nhìn lên đỉnh trần căn phòng lặng lẽ. Cha nghĩ gì? Đến bây giờ tôi mới thấm. Sự nghĩ ngợi của một con người luôn nghĩ ngợi, một con người cận kề cái chết đang còn một trách nhiệm nặng nề sau lưng, không biết giao phó nhờ ai.

Hôm nay trời bỗng nhiên nổi gió. Thêm mưa ướt đất. Không gian lạnh ngắt. Nằm nhìn qua cửa sổ những cành thông ngả nghiêng rạp mình như muốn gãy, tôi đâm hoảng.

Mới tuần qua, tôi đổi vị trí bàn viết và chỗ ngủ (kể từ tháng Sáu năm ngoái, lần cuối qua cửa sổ, còn nhìn thấy Âu Cơ dọn đi)... Đây là một sở thích (có lẽ) kỳ cục của tôi ngay khi còn trẻ. Cô em Kiều Mỵ kể: “Nhớ hồi xưa, hễ đi thì thôi, còn mỗi khi chị về, căn nhà Yên Đổ lại có thêm một kiểu trang trí mới, rất đẹp.”

Nhà văn Pháp André Maurois nói: “Tất cả những thay đổi trong cuộc đời, dù là thay đổi mà ta ưng ý nhất, cũng đều đem lại nỗi buồn.”

Có lẽ đời tôi buồn hoài chính do từ cá tánh ưa thay đổi không ngừng đó. Tôi không chịu nổi cái gì đều đều hằng ngày, nhất là chỗ làm việc và giường ngủ. Cũng bấy nhiêu sách vở, đàn địch, tượng đồng, tranh ảnh cũ kỹ, vậy mà lâu lâu đổi một hình thức khác, lâu lâu nghe tiếng bật kêu của các cô học trò: “Cô lại làm mới căn nhà!”

Lần thay đổi này, trên đầu giường có hai cửa sổ bằng kính hình chữ nhật nơi hai bức tường, làm thành một hình vuông góc ánh sáng chan hòa, tôi (tạm) ưng ý theo ý nghĩ “tha hồ ngắm ánh trăng khuya”. Trăng vẫn chung thủy một tháng trở về đôi ngày với tôi. Nhưng mà, tôi thật sợ những cơn mưa và những cơn gió, không dám nhìn, không dám ngắm...

Hôm nay gió ơi là gió! Chạnh nhớ câu văn của Nhất Linh trong truyện Nhặt Lá Bàng (“Lạy trời cho gió lên!”) mà cười thầm. Ở tuổi ngây thơ thấy cái gì cũng đẹp. Mưa Sàigòn, nằm nghe tiếng nước rỉ từng giọt suốt đêm từ mái nhà xuống một cái thùng thiếc... Mưa Dalat hai tay đút sâu trong túi manteau, mặt ngước cao đón những hạt lạnh... Mưa Nha Trang bước âm thầm trên biển, tâm tư rung cảm theo tiếng sóng khóc không ngừng, tiếng thở dài của gió từ xa khơi thổi về...

Bây giờ, thấy cái gì cũng sợ. Sợ con người đã đành mà còn sợ cả thiên nhiên nữa. Mưa làm hoảng và gió làm run rẩy. Không dám nghĩ xa hơn ra xứ người, không dám tưởng tượng thêm về quê hương; chỉ nội nhìn biết bao anh chị homeless ngoài kia đang cố tránh cơn phẫn nộ của đất trời dưới những tấm tăng căng đầy phố thị, đủ làm tôi đau khổ. Hôm trước San đi làm về, kể: “Có anh Mỹ đen nằm chết cong queo vì lạnh nơi trạm đỗ xe của con”. Không đàn, không viết mười ngày qua trong cảm nghĩ “mình ích kỷ”. Đành quay lưng với chữ nghĩa. Làm sao sự bình tâm có thể tìm ra trong cái tâm hồn luôn nghĩ ngợi đó? Chỉ mong “đừng điên”.

Hôm nay trời gió mạnh. Lỗ hỗng trong lòng bị xói mòn hơn nữa. Khói thuốc liên hồi vẫn không lấp đầy được nó. Tôi muốn sống như mọi người, muốn hài lòng với thực tế vật chất, muốn “bình tâm” an ổn trong hiện tại cuộc đời trên một nước đại cường thế giới. Bạn đừng nói tôi “tham lam”. Chỉ bởi tôi còn mang trái tim có luồng máu màu đỏ thắm nên biết mình khó lòng thay đổi bất cứ cái gì LÀ MÌNH, (trễ quá rồi!), ngoài một lời than nhỏ của hôm nay:

“Lạy Trời xin ngưng gió! Làm ơn, xin ngưng gió!”

Ngày mai hết gió, có lẽ tiếng lòng tôi sẽ lắng êm hơn trong sự cầu xin “chẳng cầu xin gì cả”... Sự “bình tâm” lúc ấy hẳn đến.

Trước khi qua đời 37 tuổi tại Auvers-sur-Oise, miền Nam nước Pháp, Van Gogh đã nói cùng em trai (Théo):

“La tristesse durera toujours” (Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi”)

[]

Trần Thị Bông Giấy


(Những lời ghi vội chiều thứ Hai, April 11, 2022, trời gió lạnh cóng).



BÂY GIỜ HOẶC

KHÔNG BAO GIỜ.

(Tâm Bút Trần Thị Bông Giấy).


(Gửi Hoàng Hà Giang, Nha Trang)

[]


San Jose, thứ Tư April 12, 2022.


MỘT

Hôm nay nắng đẹp nhưng trời lạnh buốt xương, gió không ngừng thổi.

Thức giấc từ sớm (đúng hơn, không ngủ từ khuya), nhận lá thư nhà văn Hùng Sơn (theo bài Lạy Trời Xin Ngưng Gió viết hôm qua), tôi thốt bật cười:

“Sư phụ ơi

Buồn thì tối tối đi khiêu vũ là hết buồn ngay chứ gì. Âm nhạc là hồn của sư phụ. Con chữ là bạn tâm tình, thì lời ca tiếng hát trong vũ trường không phải là nỗi vui những ngày xế bóng của đời nghệ sĩ chúng mình hay sao?

Cho học trò khoe sáng tác vừa viết xong nè. Người Vợ Ma của Hùng Sơn đã được đưa vào Thư Phòng Hùng Sơn, chương mục Truyện Dài. Mời sư phụ vào coi và xin sư phụ góp ý để học trò này có hứng thú tiếp tục viết không nghỉ mới được. Đang viết tiểu thuyết Lưới Tình, chắc phải mấy tháng nữa mới xong, vì bây giờ ham đi vũ trường quá mất rồi!

Thân ái

Hùng Sơn.”


Thật dễ chịu làm sao với cuộc đời!

Tôi hồi đáp:

“Cảm ơn "học trò". Sẽ đọc và góp ý. Hôm nay có "đề tài" NHỜ vào lá thư của "học trò". Hôm nào cho đi ké vũ trường một lần xem thử có hết buồn không.”

Hơn hai mươi năm cũ, sau khi TNH bỏ đi, có một lần tôi đã “đi ké” theo lời mời tha thiết đến gần như “gài bẫy bắt cóc” của vài người quen trong giới văn nghệ. Thấy mình hoàn toàn bơ vơ lạc lõng trước niềm vui hoan hỉ của thiên hạ, tôi tự cấm cửa từ đó.

Rõ ràng, tôi bỏ quên ngày tháng quá nhiều, (mà, nói theo một nam độc giả Sàigòn: “Cô quá khắc nghiệt với chính mình!”)

Lẩn thẩn ngồi vào đàn, chơi liên hồi câu nhạc đệm tay trái (điệu Slow Soul) trong bài It’s Now Or Never, tay phải ủ vào trong áo cho ấm, tôi vừa buồn rầu nhớ anh Nguyễn Ngọc Thùy tử trận năm 1968, vừa nghĩ tới anh bạn nhà văn với thú vui vũ trường hiện tại. Mừng cho anh bạn; và “buồn” cho mình; chẳng hiểu tại sao? Cái chuyện “đi ké” này chắc chắn không bao giờ xảy ra lần nào khác nữa.

Trong một lá thư anh Thùy gửi tôi từ chiến trường Quảng Ngãi năm 1968, có một câu: “Tất cả đều tầm thường và con người sống nhờ vào điều tầm thường ấy.”

Ngay lúc bấy giờ đã hiểu, mấy chục năm trôi qua càng thấm trên từng chữ, vậy mà tại sao tôi vẫn đi tìm điều “không tầm thường”, điển hình là cái chết trận của một người trẻ 25 tuổi dạo đó?

Chính tôi tự làm khổ mình, nhưng, để thay đổi lại càng là điều làm khổ mình hơn nữa. Tôi biết rất rõ điều ấy.

*

HAI.

Mỗi người trước khi nhìn thấy ánh mặt trời đều đã được Thượng Đế chỉ định cho một vai trò để đóng trên sân khấu đời đa đoan lắm nỗi: Làm học trò, làm vua, làm nghệ sĩ, nhà văn, lính tráng, nông dân, ngay cả làm ăn mày, ăn cướp. Làm gì làm, miễn phải đóng cho trọn vai đã nhận để, 15 giây trước khi tấm màn cuộc đời khép lại vẫn còn nở được nụ cười viên mãn (kiếp sau khỏi trở lại đóng!)

Ngoài ra là đam mê. Có vô số đam mê để chọn tùy theo tính tình, cá chất, hoàn cảnh. Một anh nhà văn dùng cây viết câu danh, với tôi không đáng quí cho bằng một anh ăn cướp kiểu Robin Hood, lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo. Một anh dân biểu quốc hội Mỹ ít được tôi thích thú hơn hai anh em Frank & Jesse James cuối thập niên 1880. Một ông tai to mặt lớn uy quyền hống hách chắc chắn chẳng được tôi trọng cho bằng một chị nhà quê cần cù ngày tháng làm “thân cò lặn lội bờ ao, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”.

Tôi luôn luôn nghĩ vậy, nên không ngừng tìm kiếm.

*

BA.

It’s Now Or Never, nhạc và lời viết bằng tiếng Ý được sáng tác bởi G. Capurro và E. Di Capua; chuyển sang Anh ngữ bởi Aaron Schroeder và Wally-Gold, vang lừng thế giới, đặc biệt dưới giọng ca và lối biểu diễn rất sống động của Elvis Presley thập niên 1950-60.

Bản nhạc gắn bó trong cuộc đời tôi bằng hai kỷ niệm sâu đậm:

-Dạo 1967, anh Nguyễn Ngọc Thùy, bạn thân nhất của cậu Tân, từ Nha Trang vào Sàigòn theo học khóa 25 Trừ Bị Thủ Đức. Mỗi cuối tuần ra trại, anh thường về ngủ lại với Cậu. Căn nhà Yên Đổ dạo tháng Năm mưa dầm đó bỗng ấm hẳn trong tiếng guitare và tiếng hát anh Thùy qua bản nhạc này.

-Dạo Mar. 2001, nghe tin Trọng bệnh nặng, tôi bay qua Berlin ở với em hơn một tháng, dọn dẹp sách vở nhà cửa giùm em.

Một buổi, tôi thốt đau lòng nhận biết ra điều “em đã đem theo tất cả kỷ niệm Sàigòn tới xứ người lạnh giá.” Các bằng cấp, chứng chỉ học trình trường Nhạc, trường Chu Văn An, từng hình ảnh gia đình, bạn bè, luôn cả các tape cassette tiếng Việt, tiếng Pháp thường ra rả mỗi ngày trên những làn sóng Sàigòn... đều hiện hữu đầy đủ trong hành trang lên đường du học 18 năm xưa của em. Đặc biệt bản It’s Now Or Never nằm lẫn lộn trong mớ sách nhạc, có những accord ghi đậm bằng chữ em viết...

Bữa đó, tôi lặng người trong xúc động. Qua cửa sổ căn bếp, những hạt tuyết cuối đông còn rơi lả tả. Tôi thốt liên tưởng, trong 18 năm sống tại căn chung cư lầu năm này, em cũng đã nhiều lần ngồi ở thế bây giờ của tôi, nghe các tape nhạc, nhìn về quê hương xa thẳm, tưởng tượng căn bếp vui vầy ấm áp trên đường Yên Đổ vang dội tiếng đàn tiếng hát anh Thùy một thuở rất xa...

Cái tôi đi tìm suốt đời chỉ hiện ra một lúc nào thật ngắn, dù nồng nàn đau đớn, như buổi chiều ngồi ở căn chung cư Berlin, phòng bên cạnh có đứa em gần chết đang nằm.

Kỷ niệm!

Chỉ những kỷ niệm xúc động là còn lưu lại vĩnh viễn trong tâm hồn con người, tạo nên nét đẹp hãn hữu cho cuộc đời. Con người thường phung phí và lãng quên cái đẹp chứ thật thì cái đẹp luôn có ở đó, mơ hồ như ảo ảnh, lãng đãng như bóng mây...

Bây giờ hoặc không bao giờ (It’s now or never). Phải chọn! Và tôi đã chọn ngay từ tuổi trẻ, nên không bao giờ thấy cái “ngày mai đà quá trễ” (tomorrow will be too late) là quan trọng. Cái CÓ từng nắm được trong tay, thế là quá đủ! Anh Thùy và Trọng đã nằm xuống, nhưng âm vang kỷ niệm còn lưu mãi trong tôi: Một “chiến thắng vinh quang” cho cái đẹp mơ hồ tôi đi tìm suốt đời.

*

BỐN.

Mới tức thì nhận thư Giang, đứa con nuôi ở Nha Trang:

“Mẹ ơi, có phải trời chẳng khi nào ngưng gió? Chỉ mong lòng người ngưng gió.”

Tôi đáp:

“Gió trong lòng mẹ vẫn lạnh, làm tắt một vì sao cô đơn.”

Tưởng chỉ thế, nào dè Giang viết:

“Con đang nếm trải giai đoạn tuổi trẻ của Mẹ đã từng qua. Không biết đến xế chiều con có được sống đời sống như Mẹ không, được tự do trong cõi cô đơn riêng mình. Chứ với đời sống ‘có cũng như không’ cũng buồn như ‘có còn hơn không’. Thà rằng ‘không có là hơn’.

Con vẫn mong ngày nào đó được Mẹ rủ con vào cuộc đời Mẹ đang sống, ở đó có ngọn lửa đủ sưởi ấm sự cô đơn, đốm lửa lòng bảo vệ linh hồn Mẹ trước từng cơn gió bên ngoài thốc vào.”

tức thì tôi chợt tỉnh.

Giang là cháu dâu anh Thùy.

Mùa đông 2008 về Nha Trang, một đêm từ nhà Dì Túy, tôi và Âu Cơ đi tìm nhà anh Thùy trên cùng con đường Quang Trung. Hỏi mãi mới ra. Để rồi ngay tại nền gạch đặt quan tài anh tháng 8/1968, tôi ngồi kể cho bà chị dâu (mẹ chồng Giang hiện tại) mọi chuyện về anh Thùy, xong đưa ra bản văn Khóc Người Thiên Thu nhờ chị đặt lên bàn thờ anh Thùy. Cô bé Giang đang ngồi dưới đất, cạnh chồng nằm trên võng ru con, lắng nghe trọn vẹn từng lời. Ý nghĩ “Sao trên đời lại có một con người thủy chung dường ấy từ xa lặn lội vể để xin thắp một nén hương cho người xưa!” hiện lên trong óc cô bé.

Về nhà kể cho Dì Túy nghe, tôi thật xúc động khi nghe Dì nói:

“Trong đời, Dì chưa thấy thằng con trai nào có đôi mắt buồn man mác như thằng Thùy.”

Mọi cơ duyên giữa Giang và tôi bắt nguồn từ đó.

Trong một bản văn, tôi viết:

“Cái tội lớn nhất của tôi chính là đã xuất hiện trên con đường bước đi của anh Thùy năm xưa và bây giờ của Giang.”


Thật! Có lẽ nếu không như thế, anh Thùy đã, thay vì tử trận thì lập gia đình cùng cô gái Quảng Ngãi rất yêu “chàng thiếu úy nói giọng Nam” bằng mối tình đơn lẻ. Có lẽ, nếu không nghe câu chuyện giữa tôi và bà chị dâu đêm mùa đông năm 2008 ấy, hẳn Giang dễ dàng “đi vũ trường” (như anh bạn nhà văn) chứ không ước mơ “ngày nào đó được Mẹ rủ vào cuộc đời Mẹ đang sống...”

Nhưng mà, tôi không hối tiếc cho Giang. “Một lần gặp gỡ (vẫn có giá trị) là trăm năm” như câu nhạc Trịnh Công Sơn.

(Nói riêng với Giang: “Con ơi, Thượng Đế rất công bình. Cứ mạnh dạn bước đi cho hết con đường mở ra bằng cánh cửa hẹp, tự khắc sẽ thấy cánh cửa rộng khác Ngài đang mở ra cho mình.”)

Tội nghiệp cô bé! Tôi xin nhận lỗi tất cả. Chỉ mong Giang thực hành trọn vẹn vai trò đời đã được Thượng Đế chỉ định.

It’s Now or Never.

Phải từng có cái Now mới biết ra giá trị của cái Never. Tôi tin một đứa nhỏ thông minh như Giang thấu hiểu điều-vô-lý-mà-lại-là-thực-thể-định-giá-chính-xác cho một con người.

Viết những giòng này xong, thấy thật buồn trong bụng. Đành ngồi vào đàn với bản nhạc có hàng chữ viết tay của tôi nơi một góc đầu trang: “Di vật của Trọng, đem về từ Berlin trước khi Trọng chết. Thu Vân. Mar. 2001.”

[]

Trần Thị Bông Giấy.

(Bài viết xong chiều thứ Tư April 12, 2022 6:00 PM)




11 views0 comments

Recent Posts

See All

תגובות


bottom of page