![](https://static.wixstatic.com/media/9761d4_d0087c1ad80d48e090e693062cf64952~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_551,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_avif,quality_auto/9761d4_d0087c1ad80d48e090e693062cf64952~mv2.jpg)
LỜI HỨA CỦA NGƯỜI TÌNH
Truyện ngắn của Hùng Sơn
Trời lạnh, gió đêm lùa từ mặt biển lên càng lạnh hơn. Cứ mỗi lần trời lạnh như thế này mà phải lái xe từ San Jose lên San Francisco tôi lại thấy đói bụng, và nhớ tới những món ăn đặc biệt khoái khẩu nhất của mình.
Không hiểu sao hôm nay tôi lại lái xe chạy theo đường xa lộ 17 đi Oakland, để vòng qua San Francisco, mà không dùng con đường xa lộ 101 ngắn hơn thường đi như mọi lần. Hình như trong đầu vừa thoáng qua một hình ảnh có hương vị thơm ngon của một đĩa phở xào thật đặc biệt, có lẽ tôi đã ăn nhiều lần ở tiệm phở Lâm Viên bên Oakland. Cái phản xạ tự nhiên trong tiềm thức đã sai khiến đôi tay tôi lái xe đi về con đường này chăng?
Nếu vậy thì thực thú vị, vì từ trước tới nay, ngoài những lúc viết văn, còn kỳ dư tôi rất gét phải suy nghĩ một điều gì. Cái nếp sống tự do buông thả, muốn ra sao thì ra trong đời sống hàng ngày, làm cho tâm thần tôi thư dãn. Và như vậy dễ đưa tôi tới những mộng tưởng khoan khoái.
Thường tối nào cũng vậy, sau khi lên khuôn xong tờ báo. Anh chị em trong tòa soạn lại rủ nhau đi ăn khuya. Chúng tôi hay kéo tới quán ăn gần tòa soạn, vì ở đó có rất nhiều món ăn hợp với khẩu vị của chúng tôi. Quán lại mở cửa tới 2:00 giờ sáng, và nhất là nụ cười của cô chủ quán dễ dàng làm tiêu tan mọi nhọc nhằn trong ngày. Đó là chưa nói tới nhìn nụ cười đó làm cho chúng tôi thấy mình trẻ hẳn lại và thấy đời thực đáng sống.
Nhưng tối nay tôi lại bỏ về sớm, để rồi tự nhiên cứ lái xe ào ào trên con đường này. Thể nào tối nay về nhà cũng lại tiếc hùi hụi một bữa nhậu mà chắc chắn anh chị em trong tòa soạn khi làm báo xong, cũng kéo nhau tới đó. Tiếng cười nói của Mõ Họa Sĩ, Mõ Rừng, Mõ Núi, Mõ Làng, Mõ 16, Mõ Đồng, Mõ Tiên Chỉ, Mõ Nhí, Mõ Phó Nhòm. . . và cả nụ cười của cô chủ quán nữa, tại sao tôi lại có thể bỏ anh chị em mà về trên con đường vắng vẻ lạnh lẽo này. Hôm nay hình như cũng chưa muộn lắm, nhưng có lẽ cái tính tôi như vậy, muốn làm gì thì làm ngay, suy nghĩ đắn đo làm gì cho thêm mệt.
Anh chị em vẫn còn đó, cô chủ quán vẫn còn kia, những bữa ăn trong đời đâu đã hết. Như vậy thì cứ đi, cứ về xem cái gì đang chờ đợi ở phía trước. Hình như tôi linh cảm thấy tối nay có một cái gì đó đang đợi, đang chờ ở đâu đây.
Xe đậu lại ngay trước tiệm phở Lâm Viên, trên đường Webster trong khu phố China Town ở Oakland. Mùi thơm từ trong tiệm bay ra thực quen thuộc. Tôi có thể nhận ra ngay hương vị này từ xa. Tự nhiên tôi bật cười; nghĩ tới ông chủ quán. Một con người thực văn nghệ, anh đã từng cộng tác chung với tôi hồi còn làm ở tuần báo Yêu, những năm về trước. Anh có tài tiên đoán như thần. Coi tử vi không sai vào đâu được. Đó là chưa kể tới anh còn là một võ sư có hạng. Anh đã từng là trưởng môn một võ phái ở Việt Nam. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là tài nấu nướng trứ danh của anh thật tuyệt vời.
Cái món mà tôi khoái nhất để ăn trong một đêm lạnh đói bụng, vẫn là một đĩa phở xào. Gọi như thế có thể lộn với món khác là phở tíu xào. Có lần anh cười bảo tôi : “ Cái món này có người còn gọi là phở khô nữa đó.” Tôi biết anh nói thực vì có một lần tôi vô một tiệm phở, cô chạy bàn hỏi tôi: “anh muốn ăn phở xào khô hay xào ướt.” Tự nhiên tôi nghĩ bậy! Nếu chữ “xào khô” mà dùng không khéo, người ta lại hiểu lầm thì tội nghiệp cho cô ấy quá!
Bỗng dưng tôi choáng váng vì đầu bàn bên kia, một cô gái mới vô cũng vừa cũng gọi cô chạy bàn làm một đĩa phở áp chảo. Cái giọng nói đó, cung cách ngồi kia, và khuôn mặt này làm tim tôi đập thật mạnh. Máu trong người tôi muốn trào ra. Không lý người chết rồi lại có thể sống lại sau hơn ba mươi năm chôn cất sao. Chính tôi đã vuốt mắt nàng, chính tay tôi đã đậy nắp quan tài, và cũng chính tôi đã ném cục đất đầu tiên xuống huyệt mộ của nàng.
Tôi đưa tay dụi mắt, cẩn thận hơn, lấy kính ra đeo. Nhưng quả thực là nàng đang ngồi đó! Mặc dù bàng hoàng, nhưng tôi vẫn còn tỉnh táo. Hơn nữa, bây giờ đang ở chỗ đông người, chứ có phải ở nghĩa trang hay một nơi nào tăm tối mà nàng hiện hồn về.
Bỗng cô gái nhìn về phía tôi, ánh mắt gặp nhau. Tôi rùng mình, đích thực là nàng. Thơ Thơ của tôi hơn ba mươi năm về trước! Không thế nào lầm được, tôi vẫn nổi tiếng là nhớ dai. Hơn nữa, trong trường hợp này, không thế nào có sự lầm lẫn được. Người yêu tôi đã từng đầu gối tay ấp suốt một thời niên thiếu. Khi nàng chết đi, hình ảnh đó lại càng khắc đậm trong tim tôi thì làm sao mà lầm lẫn cho được. Nhưng có lẽ nào . . .
Hai đĩa phở áp chảo được mang ra cùng một lúc. Có lẽ ông chủ tiệm phở đã xào chung một lần. Tôi nhìn đĩa phở, lại nhìn nàng. Cô gái vẫn nhìn tôi, ánh mắt đắm đuối như đam mê, khờ dại. Tự nhiên tôi thấy sờ sợ, cúi xuống đĩa phở để tránh ánh mắt thuở học trò ấy.
Bỗng tôi lại rùng mình, vì ngày xưa chúng tôi thường dắt nhau đi ăn phở áp chảo. Nhất là những ngày trở lạnh, tới đón nàng vào lớp học thêm ban đêm, rủ nhau đi ăn phở áp chảo. Mà nàng vẫn quen gọi là phở xào.
Chúng tôi thường có thói quen, dùng một cái chén nhỏ, gắp một ít phở vô đó rồi cầm chén lên ăn như ăn cơm.
Tôi lùa vội những sợi phở thơm ngon này như muốn nhớ lại những kỷ niệm năm xưa.
Đầu bàn bên kia, vô gái cũng thản nhiên ăn, nàng cũng dùng một cái chén nhỏ như tôi, đưa lên miệng ăn thực thong thả. Bây giờ nàng mải ăn không để ý tới tôi nữa. Tôi có dịp nhìn nàng thực lâu và thực kỹ. Càng chú ý, càng thấy nhất định cô gái này phải là Thơ Thơ của tôi mấy mươi năm về trước. Không thế nào có người giống nàng như vậy được. Nàng lại là con một và là đứa con cầu tự, cho nên không thể nào có người thứ hai được. Nhưng sao nàng lại đang ngồi đó thực sao. Mê mẩn nhìn nàng, tôi quên cả ăn. Tới khi nàng ăn xong, đứng dậy, tôi mới thấy mình mới ăn được mấy miếng. Lật đật trả tiền theo nàng ra ngoài làm mấy cô chạy bàn ngơ ngác nhìn đĩa phở xào của tôi khó hiểu. Tôi không để ý tới điều đó mà chạy vội theo cô gái ra cửa, như có một sức hút vô hình bắt buộc tôi phải theo nàng.
Ra tới ngoài. Cô gái đứng bên lề đường ngó giáo giác như tìm kiến ai. Tôi mạnh dạn tới hỏi:
- Chắc cô chờ người nhà phải không. Trời khuya quá rồi, cô không sợ Mỹ đen sao?
Cô gái quay lại mỉm cười. Tim tôi đập mạnh. Từ trước tới nay có bao giờ tôi tán gái theo cái kiểu lộp chộp này đâu. Hơn thế nữa, bây giờ hơn năm mươi tuổi rồi. Đêm hôm khuya khoát thế này lại đi tám một cô gái chưa đầy hai mươi ở đầu đường só chợ, coi bộ không khá được rồi. Nếu bạn bè nhìn thấy lại mang tiếng là thằng già mất nết cũng không chừng. Và nếu cô gái này không đáp ứng lời tôi. E rằng chính mình cũng thấy tự thẹn với lương tâm. Nhưng mà nàng vừa mới cười, giọng nói năm xưa vang vang như từ chốn hư không thoảng lại.
- Dạ không, em tìm một chiếc Taxi thôi.
Thật không còn gì mừng hơn khi nghe nàng nói thế. Như vậy có nghĩa là nàng đi một mình. Và không có xe về nhà. Tự nhiên tôi thấy mình phải lỳ lợm. Không cần suy nghĩ gì nữa. Tôi tán liền. Trong bụng nghĩ, phen này phải liều mới được. Không chiến thắng nào lại mua bằng một sự nhút nhát, rụt rè được. Thôi bảo nàng:
- Giờ này mà cô ở đây đón Taxi hơi khó đó, đêm khuya quá rồi. Nếu cô không ngại tôi xin phép được đưa cô về.
Cô gái nhìn tôi ngần ngừ. Tôi nói liền, cố làm cho nàng yên tâm, vì nhất định không câu nệ mà nói hết sự thực những ấm ức trong lòng.
- Thú thực với cô, từ trước tới nay tôi không có thói quen, giúp đỡ ai cái kiểu này đâu. Nhất là vừa rồi đi làm về cũng mệt lắm. Chỉ muốn về nhà làm một giấc cho khỏe thôi. Nhưng mà vừa nhìn thấy cô. Tôi thấy giống một người quá. Bởi vậy nhất định phải hỏi cho ra. Vì tôi đã ôm nỗi lòng này hơn ba mươi năm rồi. Thấy cô làm tôi trở lại kỷ niệm hơn ba mươi năm về trước với một người tình đã vì tôi mà quyên sinh.
Cô gái bỗng bật cười, nhí nhảnh:
- Em có cảm tưởng đang được tiếp chuyện với một nhà văn trinh thám. Lại chuyên môn viết những chuyện tình éo le.
Tôi không để ý tới lời nói của nàng là mỉa mai hay thành thực. Nhưng tự nhiên lại thấy nàng nhận xét đúng quá, nên vội vàng móc tấm danh thiếp đưa cho nàng.
- Dạ…dạ. không hiểu sao cô lại nhận xét mau lẹ và chính xác như vậy. Tôi vừa ở tòa soạn báo Mõ Tị Nạn về. Tôi là ký giả Hùng Sơn. Xin lỗi quí danh cô là chi ạ?
Cô gái dựa mình vô thành xe, chiếc xe Toyota Pick Up cũ kỹ của tôi, đậu ngay bên cạnh nàng. Đọc danh thiếp của tôi vừa trao. Cô ta liếc vô thùng xe cười cười.
- Thì ra anh là nhà văn Hùng Sơn. Em sung sướng được gặp anh đêm nay. Trời đất bao la. Nhưng ngẫm lại cũng chẳng lớn lao gì. Hằng tuần em vẫn theo dõi những bài viết của anh trên mặt báo, không sót một kỳ nào. Nhũng truyện gián điệp của anh làm em có linh cảm như một phần của đời mình.
Thật là bất ngờ, cô gái này lại là đọc giả của tôi. Như vậy còn lo gì không hỏi được tông tích cô ta nũa.
Tôi đi vào đề thực nhanh.
- Nếu cô tin tôi, xin được phép đưa cô về. Vì trời cũng khuya lắm rồi. Nhân tiện trên đường đi cũng xin được phép tò mò hỏi vài câu.
Cô gái vỗ vỗ vào chiếc xe của tôi hỏi:
- Có phải chiếc xe này của anh không?
Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng chợt hiểu ngay, vì trong xe tôi, báo chí sách vở để bừa bãi. Nàng đoán ra chiếc xe này của tôi cũng không có gì lạ lắm.
Tôi mỉm cười:
- Dạ, tánh tôi bê bối. Sách vở, báo chí trong xe bừa bộn lắm, xin cô đừng để ý nhé.
- Không…không, em đâu có dám nghĩ gì đâu. Nhưng không hiểu những nhà văn hào hoa phong nhã như anh, thường đưa đón các nàng Kiều đi đi, về về mà không sắm chiếc xe nào cho rộng rãi có phải vui không.
Tự nhiên tôi đưa tay gãi đầu. Một ý nghĩ xấu thoáng qua. Không lý cô gái này lại là cô gái thuộc loại lẳng lơ ong bướm được hay sao. Nàng là ai tôi chưa biết, nhưng hình hài này y tạc người yêu tôi hơn ba mươi năm về trước. Nếu quả nàng là loại người xấu thì chua chát biết làm sao.
Tôi trả lời nàng mà không vui gì mấy.
- Tôi cũng có quen nhiều nhà văn có xe Mercede, xe Van rộng rãi. Nhưng họ có chở gái đi đi về về hay không thì tôi không biết. Còn tôi chỉ có cái xe cà tang này thôi. Vừa làm chân đi, vừa làm phương tiện bỏ báo cho tiện.
Cô gái cười khúc khích, nói như châm chọc:
- Vậy mà anh mới gặp em đã đòi chở về rồi. Em cứ tưởng mấy ông nhà văn lãng mạng là phải như thế chứ. Các anh luôn luôn đi tìm chất liệu để viết văn phải không?
Tôi cười khổ.
- Xin lỗi cô. Thú thực như lúc nãy tôi nói. Tôi có nỗi khổ tâm muốn tìm hiểu. Nhưng quả thực xin được đưa cô về không có ý gì khác đâu.
Cô gái bất ngờ hỏi:
- Nhưng về đâu mới được chứ.
Tôi giật mình, thì ra cô này đang hiểu lầm ý tôi. Tôi lật đật nói:
- Dạ…dạ, tôi chỉ xin đưa cô về nhà cô thôi. Đồng thời trên đường đi muốn tò mò hỏi cô vài câu. Còn tuyệt nhiên không có ý gì khác nữa đâu.
- Nếu vậy bây giờ anh mở cửa xe cho em được chưa. Đứng đây lâu lạnh quá rồi.
Tôi ngẩn người, luýnh quýnh mở cửa xe. Có như vậy mà cũng không để ý. Cứ đứng khơi khơi đây mà nói chuyện tào lao hoài. Cô gái bước lên xe thực tự nhiên và bạo dạn. Tôi đóng cửa xe cho nàng và thấy nàng mỉm cười. Nụ cười của hơn ba mươi năm về trước. Trời ơi…nàng là ai?
Tôi cho xe chạy thẳng về phía trước mà quên hỏi nàng muốn đi về đâu. Đầu óc tôi bắt đầu lộn xộn. Những câu hỏi đặt ra trong đầu tôi về thân thế nàng tự nhiên tiêu tan đâu hết. Bỗng nàng nhìn tôi bật cười. Tôi ngơ ngác nhìn nàng, hỏi thực ngây ngô:
- Thưa cô tôi có cái gì không cô?
Tiếng cười khúc khích của nàng càng trong trẻo hơn.
- Anh bảo muốn đưa em về nhà, mà anh đã biết nhà em ở đâu chưa. Còn anh đang đi đâu đây?
Tôi giật mình như chợt tỉnh.
- Dạ…dạ, xin lỗi. Tôi vô ý quá. Nhà cô ở đâu vậy?
Bỗng cô gái nhìn về phía trước đăm đăm, thật xa vời. Ánh mắt nàng ướt át như vui như buồn. Không làm sao hiểu nổi. Giọng cô ta trầm lại:
- Về đâu bây giờ. Về đâu hả anh.
Tôi nói nhát gừng:
- Thì về nhà cô.
- Về nhà em à. Về nhà em ở đâu. Hay là bây giờ anh đưa em lên cầu Golden Gate chơi được không.
Tôi ngỡ ngàng, không hiểu nàng muốn gì. Bây giờ lên cầu Golden Gate cho lạnh chết hay sao. Không biết nàng là gái nhà lành hay là gái đứng đường đây. Nếu là gái mãi dâm thì chẳng bao giờ lại đòi khách chơi lên cầu Golden Gate vào lúc nửa đêm như thế này. Nàng phải đòi khách đưa về nhà họ hoặc nhà nàng. Hay ít nhất cũng đòi mướn khách sạn ngủ chứ có ai muốn lên cầu Golden Gate vào giờ này làm chi.
Hay là cô ả này giận chồng, giận con muốn lên cầu Golden Gate tự vận. Cũng không có lý, một người có ý định quyên sinh không thể nào tỉnh táo, ăn nói yêu đời như thế này được. Không lý mình gặp con nhỏ tốc kê . Dân tị nạn, xa nhà, trải qua nhiều đau khổ. Gia đình ly tán, tâm thần không bình thường cũng chẳng có gì lạ.
Tôi mỉm cười, hỏi nửa đùa, nửa thật:
- Cô tính lên cầu Golden Gate giờ này làm thơ chăng.
Cô gái nhìn tôi thật đắm đuối.
- Có phải anh cũng có ý tưởng đó hay không?
Tôi giật mình hỏi:
- Cô không nói chơi đó chứ?
- Không, em nói thực mà. Được đứng với anh trên cầu Golden Gate giờ này, còn gì hạnh phúc hơn trên đời này nữa. Em chỉ mong có thế thôi. Em đã đợi, đã chờ những giây phút này từ lâu. Bây giờ gặp anh còn gì bằng. Anh tưởng em nói chơi à?
Tôi ngỡ ngàng tới hoảng hốt. Giọng nói của nàng thiết tha và ánh mắt chân tình kia không thế nào là riễu cợt được. Cũng không hẳn là cô ta tốc kê hay điên khùng gì. Vì linh tính cho tôi biết. Nhất định cô này phải có ẩn tình gì, chứ không phải đơn giản. Đầu óc tôi muốn nổ tung ra.
Từ trước tới nay, ngay khi thi hành những điệp vụ khó khăn nhất và gặp những nhân vậy kỳ quái nhất cũng chưa bao giờ tôi trải qua những giây phút bối rối như bây giờ. Tôi đang sống trong mộng hay thực. Tôi đưa tay nhấn nút máy casset trong xe. Giọng ca nữ ca sĩ Thạch Thảo quen thuộc âm vang bài ca ưa thích nhất của tôi.
- “. . . chưa gặp em anh vẫn biết rằng
Có nàng thiêu nữ đẹp như mơ
Mắt em là bóng dừa hoang dạ
Âu yến nhìn anh không nói năng…”*
( * Mộng Dưới Hoa - Tác giả: Nhạc Phạm Đình Chương, thơ Đinh Hùng )
Phải, tôi biết đó là bài ca thịnh hành trong tuổi học trò của tôi. Như vậy làm sao tôi đang nằm mơ được. Nhưng cô gái này là ai? Hình hài nàng là người yêu tôi. Chân tình này nàng đang dành cho tôi như cho một người tình.
Đầu óc tôi quay cuồng, con tim tôi rạo rực. Tôi không nói gì nữa, lần tay nắm lấy tay nàng. Bàn tay lạnh ngắt làm tôi chới với. Tôi vẫn lái xe chực chỉ lên cầu Golden Gate. Hình như gió ngoài thổi mạnh. Những hạt sương đọng trên kính lất phất.
Tôi nhớ lại lần vuốt mắt Thơ Thơ tiễn nàng về lòng đất mẹ. Bàn tay tôi cũng lướt trên vùng da thịt băng giá như hôm nay. Không lý là em thực sao Thơ Thơ. Em có thể về với anh sau hơn ba mươi năm nằm trong lòng đất lạnh thực à.
Hồi đó chúng tôi yêu nhau tha thiết. Không có lúc nào rời nhau nửa bước. Khi nhập ngũ và ngày ra trường là những giờ phút đắm say nhất của cuộc tình. Nhưng tôi lại phải đi tu nghiệp một khóa điệp báo ở Hoa Kỳ trong hai năm. Trước khi trở về nhiệm sở Phản Tình Báo trong Khối An Ninh Hải Quân.
Nàng được tin này không nản trí, tìm cách sang Mỹ du học, bởi vậy Thơ Thơ đi học Anh văn ngày đêm. Chúng tôi thường ngồi bên nhau tâm tình thâu đêm suốt sáng về những dự định sống với nhau bên Mỹ. Khóa Điệp Báo được tổ chức tại Monterey trong trường Lục Quân Hoa Kỳ. Có lẽ cách San Fracisco khoảng hai giờ lái xe.
Nhưng trời không chiều lòng người. Những nỗ lực vận động đi du học của nàng thất bại. Ngay cả khóa khảo hạnh Anh ngữ nàng cũng không đủ điểm. Và ngay ngày lên đường, tôi tới từ giã nàng cũng là ngày nàng tự tử! Ít có ai được cứu sống khi lao mình xuống sông cầu Bình Lợi.
Nàng đã chờ tôi vuốt mắt mới chịu nhắm lại, để vĩnh viễn không còn nhìn thấy gì ở trần thế này nữa. Nỗi đau thấu tim gan sau khi đưa nàng về lòng đất lạnh đã làm tôi điên khùng và khóa học của tôi bị hủy bỏ. Tôi được được an dưỡng ở bệnh viện Cộng Hòa mấy tháng. Và sau đó được bổ sung quân số, cử đi học khóa Phản Tình Báo ở Okinawa tại Nhật. Thế là từ đó trở đi trong làng Điệp Báo, có một nhân viên Phản Tình Báo luôn luôn cảm tử đi hàng đầu, trong tất cả những công tác nguy hiểm nhất. Nhiều người nghĩ là tôi sẽ tự tử theo nàng bằng những hành động điên rồ. Nhưng không, tôi cho đó chỉ là hành động hèn nhát của những kẻ kém tài, bất trí. Không đáng mang giòng máu người trai đất Việt. Dù cho có biện minh thế nào, hoặc ngụy trang ra sao thì hèn nhát vẫn là hèn nhát. Vì gái mà chết là nhục. Không thể chấp nhận được. Bởi vậy tôi đã vào sanh ra tử, trực diện với tử thần mười mấy năm trời để rồi vẫn còn đây. Trên những chiến thắng tô đậm màu cờ vàng.
Nhưng thực tình tôi vẫn không thế nào quên được Thơ Thơ. Người yêu muôn thuở tuổi học trò. Hôm nay nắm tay cô gái này – Người con gái giống Thơ Thơ như hai hột nước – lòng tôi rạo rực thổn thức trở về với dĩ vãng xa xưa.
- Anh… anh, anh nghĩ gì mà thừ người ra thế. Đậu xe lại đi.
Tôi giật mình nhìn dáo dác. Xe đang chạy trên cầu Golden Gate. Bây giờ ngừng lại hay sao. Ngừng thế nào được. Tôi nắm chặt tay nàng nói:
- Xe đang chạy trên cầu mà em. Sao ngừng được.
- Cứ ngừng đại đi anh. Không có sao đâu. Trời khuya rồi đâu có ai qua lại nữa mà sợ. Anh để đèn báo hiệu khẩn cấp là bà con né mình chứ gì. Thiếu gì người hư xe trên cầu có ai chết đâu.
- Nhưng xe mình đâu có chết máy. Mà đậu ngay giữa cầu làm gì chứ.
- Thì xuống xe với em.
- Xuống xe với em ở giữa cầu Golden Gate nay hay sao.
- Dạ, xuống đi anh.
Hình như xe tôi đã ngưng lại từ hồi nào. Ánh đèn báo hiệu khẩn chấp chớp tắt liên hồi. Tôi líu ríu mở cửa xe theo nàng bước xuống đường, trong khi những tiếng còi vang lên của những xe vừa qua mặt.
Bỗng nàng ôm lấy tôi hôn thật đắm đuối. Chiếc miệng nhỏ nhắn chụm lại, gắn liền lấy làn môi tôi. Và đầu lưỡi nàng lùa qua miệng tôi cuốn lấy lưỡi tôi làm tôi tê đi trong hoan lạc . . .
Bỗng tôi rụng rời vì chợt nhớ; Bao nhiêu năm nay, chỉ có mình Thơ Thơ mới hôn tôi kiểu này. Tôi buông nàng ra. Nhìn đăm đăm vô khuôn mặt trắng xanh của nàng giọng lạc đi.
- Em. . . em là Thơ Thơ thực đó sao . . . . .
Nàng gật đầu thực nhẹ và êm ái. Gục đầu vào vai tôi thì thầm:
- Em là Thơ Thơ của anh đây chứ còn ai nữa. Ai có thể đưa anh đưa anh lên cầu Golden Gate vào giờ này. Anh còn nhớ không. Năm xưa em có nói với anh: "Chúng mình sẽ hôn nhau trên cầu Golden Gate" mà. Anh quên rồi sao.
Tôi chợt nhớ hồi đó có lần Thơ Thơ đã nói với tôi như vậy. Bây giờ nàng chết rồi vẫn còn thực hiện lời hứa năm xưa hay sao.
Bỗng vòng tay tôi hụt hẫng, không phải tôi cử động mà thân thể Thơ Thơ chợt tan biến. Tôi thét lên, chồm qua lan can cầu. Tà áo nàng còn đang bay phất phới, từ từ khuất trong màn sương dầy đặc trên mặt nước. Âm thanh nàng còn văng vẳng trong không gian.
- Người yêu của em…. Em đã chờ đợi từ lâu để làm xong lời hứa thuở học trò. Bây giờ là lúc em thanh thản đi đầu thai nhé anh yêu.
Hùng Sơn
San Franciso một mùa Đông giá buốt.
Kommentare