top of page
Writer's picturehungson1942

THỜI MẠT PHÁP # 4*

Updated: Jul 26, 2022


Chương 4 Thời Mạt Pháp


Từ ngày khai phá sản, Liên Sâu sống thật buông thả. Không có chỗ ăn chơi, đình đám nào mà không có mặt nàng. Chơi mãi rồi cũng chán, tự nhiên nàng bắt đầu lân la đến chùa chiền, miếu đạo.

Không phải vì túng thiếu. Bây giờ nàng có cả bạc triệu trong tay, sống mãn đời cũng không hết. Nhưng tâm lý của một đại gia sa cơ, thất thế, nhất là nàng lại từng là một hoa hậu. Và cho tới nay, dù đã lớn tuổi, Liên Sâu vẫn đẹp như thuở nào .

Hồi đó chung quanh nàng, có không biết bao nhiêu kẻ đưa, người đón. Từ các đại gia đủ loại, cho tới các chính khách nổi tiếng trong cộng đồng. Và ngay cả văn nhân thi sĩ, chủ báo, giám đốc truyền thông cũng cầu thân không ít.

Người của các đài truyền hình, truyền thanh đủ loại bu chung quanh nàng nịnh bợ, tâng bốc. Liên Sâu biết là họ chỉ vì tiền mà đề cao nàng để xin quảng cáo. Nhưng chính những thứ đó đã làm nàng thích thú và sống như đang đi trên mây .

Giờ đây, mọi người như xa lánh nàng. Ngay cả khi đụng mặt, họ cũng chỉ chào hỏi qua loa cho có lệ, làm nàng tê tái cõi lòng !

Nhưng từ khi tìm tới cửa Phật, tự nhiên Liên Sâu cảm thấy bớt đi phiền não phần nào. Hình như khung cảnh nơi đây làm nàng quên đi những vương mắc ngoài xã hội.

Hôm nay như thường lệ, Liên Sâu mua ít nhang đèn, hoa quả định lái xe lên chùa thì Xuân và Đào tới. Chúng lại rủ nàng đi chùa mới lạ !

Liên Sâu ngạc nhiên hỏi :

-- Hôm nay thần thánh phương nào độ chúng mày, tới đây rủ bà chị mày đi chùa đó ?

Xuân cười khanh khách nói :

-- Chị Liên chỉ đi loanh quanh mấy chùa Việt Nam trong vùng; nên đâu có biết tụi em được Phật từ phương xa cứu độ lâu rồi.

Liên cười khẩy .

-- Phật mà cũng có Phật xa Phật gần hả con nỡm .

Xuân nói :

-- Em nói thực mà.

-- Vậy mày nói đi, xem tao nghe có lọt lỗ nhĩ không .

Đào từ nãy tới giờ đứng im sau lưng chị, nàng biết là Xuân khó nói lại Liên nên lên tiếng :

-- Dạ, thưa chị, Phật là tại tâm chứ gần xa gì đâu. Nhưng những chùa chiền của người Việt mình quanh đây đa số theo Tịnh độ. Thờ Đức Phật A Di Đà. Với nhất tâm quán niệm danh hiệu ngài thì được ngài đưa về cõi tịnh độ, sau khi lìa đời. Nhưng đã có mấy ai tu học đạt được trình độ nhất tâm quán niệm đâu. Em thấy người ta càng đi chùa thì tâm càng toán loại thôi !

Nghe Đào nói, Liên hơi ngạc nhiên, vì từ trước tới giờ, nàng vẫn coi Đào như đứa con nít. Tuy lấy chồng rồi mà lúc nào cũng nhí nhảnh ăn chơi. Chẳng học hành, làm ăn gì ra hồ cả. Nàng mỉm cười hỏi :

-- Vậy thì mày nói cho tao nghe, đi đâu thì tâm mới không toán loạn .

-- Thưa chị , Em nghĩ dù đi đâu cũng phải tìm ra một chỗ để nương tựa mà tịnh tâm thì mới ổn.

Liên Sâu hỏi :

-- Thì mày không thấy người ta tới chùa để tịnh tâm đó sao ?

Đào đáp :

-- Thưa chị không hẳn cứ ai tới chùa cũng tịnh được tâm đâu. Người ta phải hiểu là bước vào cửa Phật, trước hết phải qui y Tam Bảo đã.

Liên cười :

-- Cái đó ai mà không biết. Tới chùa nào mà tao không qui y .

Đào hỏi :

-- Vậy chứ chị qui y cái gì ?

Liên nói :

-- Ơ hay cái con ranh này. Thì qui y Tam Bảo là qui y Phật, Pháp, Tăng chứ còn qui y cái gì nữa.

Đào nói :

-- Dạ, chị nói đúng rồi. Nhưng khi vào chùa chị có thấy đức Phật nhắc nhở chị điều gì trước khi qui y không ?

Liên bật cười, nói :

-- Mày chỉ cho tao coi, chùa nào có ông Phật đứng đó nhắc nhở cho thiện nam tín nữ làm cái này cái kia trước khi qui y .

Đào bình tĩnh nói.

-- Chị chẳng cần đi đâu. Ngay trong phòng chị cũng có một ông Phật to đùng, nhắc nhở chị hàng ngày, trước khi qui y phải làm gì rồi mà chị không chịu thấy đó thôi. . .

Liên hỏi :

-- Ơ.. hay cái con ranh này . . . Trong phòng tao ư .

Đào đáp :

-- Dạ... Thưa chị.

-- Ở đâu, mày chỉ cho bà chị mày coi ông Phật to đùng của mày đâu trong phòng tao.

Đào chỉ tay lên thượng Đức Phật trên bàn thờ nói :

-- Chị có thấy bàn tay phải của Đức Phật đang làm gì không ?

Liên gật đầu, nói :

-- Ngài đang bắt ấn . . . rồi sao ?

Đào hỏi :

-- Ý nghĩa của Phật ấn này là gì ?

-- Làm sao tao biết được ! Phật ấn là Phật ấn, chứ còn là cái gì nữa .

Đào mỉm cười, nhìn Liên nói :

-- Dạ thưa chị, thực sự thì đó chẳng phải là ấn khuyết gì cả .

Và không để cho Liên cướp lời, Đào nói ngay :

-- Thưa chị, đó chính là lời nhắc nhở của Đức Phật cho những người muốn bước vào ngưỡng cửa nhà Phật phải làm gì. Chị hãy nhìn kỹ xem. Đức Phật dơ bàn tay lên với dấu hiệu : Ngón út, ngón giữa và ngón trỏ chĩa thẳng lên trời. Còn ngón cái đè lên ngón đeo nhẫn cong xuống.

Phải hiểu rằng; Ngón trỏ tượng chưng cho Phật. Ngón giữa tượng chưng cho Pháp và ngón út tượng chưng cho Tăng.

Ngón trỏ và ngón giữa đứng sát cạnh nhau. Có nghĩa là Phật và Pháp thì thế gian không thể nghĩ bàn.

Nhưng ngón út, tượng chưng cho Tăng thì phải xét lại. Bởi thế, ngón út mới đứng xa ngón trỏ và ngón giữa

Chị cũng phải biết; ngón đeo nhẫn tượng chưng cho trí huệ.

Ngón cái tượng chưng cho từ bi. Một vị tăng được gọi là một trong tam bảo của nhà Phật, phải đủ cả trí huệ và từ bi thì mới là nơi nương tựa của người Phật tử tìm tới nương tựa.

Nếu một vị tăng rất từ bi mà không có trí huệ thì đó là một ngu tăng, làm sao chúng ta có thể nương tựa ở một thằng ngu.

Nếu một vị tăng có trí huệ mà lại không từ bi thì có khác gì một tên ác tăng. Trường hợp này phải nói là trí tuệ chứ không phải trí huệ của nhà Phật. Càng thông minh, càng giỏi giang thì lại càng nguy hiểm.

Còn một tên cạo đầu, khoác áo cà sa mà vừa ngu vừa ác thì miễn bàn . . .

Cả Liên và Xuân cùng ngẩn người nghe Đào nói một hơi, như một bài thuyết Pháp của vị cao tăng, mà từ trước tới giờ cả hai không thể ngờ tới.

Xuân thì còn biết được tài ba của Đào từ trước, chứ Liên quả thực đây là lần đầu tiên nàng được nghe những lời như thế này thốt ra từ một con bé từ trước tới nay, nàng vẫn cho là đứa ăn chưa no, lo chưa tới.

Nàng há hốc miệng nhìn Đào rồi lại nhìn lên bức tượng Phật trên bàn thờ. Quả nhiên như Đào vừa giải thích. Bàn tay của Đức Phật đã nói lên tất cả.

Bỗng Liên rùng mình. Hình ảnh những ngày vừa qua khi tiếp súc với các sư trong chùa gần đây, chợt hiện lên trong đầu nàng như một cơn ác mộng thật nhanh, mà những thứ ấy nàng đã cố tình lờ đi, vì sự tôn kính các chư tăng trong chùa !

Từ ánh mắt dâm dục của một vị trụ trì nhìn hau háu vô bộ ngực no tròn, căng cứng hằn lên lớp áo mỏng của nàng, mà đũng quần của ngài thì cồm cộm, nhúc nhích. Chưa nói tới những cọ quẹt như vô tình vào thân thể nàng bấy lâu nay.

Có lần nàng còn bắt gặp một đám sư trẻ hút cần sa ngay trong sân chùa nữa.

Nàng cũng đã từng bỏ ngoài tai những câu chuyện đồn đãi ông sư này có bồ nhí. Ông sư kia lấy tiền cúng dường của Phật tử đi đánh bài.

Đó là chưa kể thiên hạ nói có rất nhiều nhà sư là công an Việt cộng gài vô chùa chiền để làm kinh tài và tình báo !

Còn việc làm của vị sư trụ trì trẻ gần đây với nàng thì . . . Ôi thôi Liên không dám nghĩ tới nữa . . . !

Đào nhìn thấy ngay sự bối rối hiện lên gương mặt Liên. Nàng đi ngay vào dự định của mình, nên nói nho nhỏ :

-- Thời mạt Pháp đang hiển hiện. Là người Phật tử chân chính. Tại sao chúng ta không thể làm một cái gì đó có lợi lộc cho Phật Pháp.

Liên nói yếu ớt :

-- Mày nghĩ xem chúng mình làm được cái gì đây ?

Thấy đã tới lúc đẩy Liên qua tu học bên Ấn Độ. Đào nói ngay :

-- Em nghe người ta nói nơi đất Phật có thiếu gì các vị đạo cao đức trọng trong Tu Viện hay Viện Đại Học Phật giáo. Nơi đây, họ đã từng đào tạo không biết bao nhiêu vị tăng ni nổi tiếng.

Liên hỏi :

-- Mày nói bên Napaln hay Ấn Độ à ?

-- Dạ.

Bây giờ Xuân mới lại lên tiếng, nàng đề nghị :

-- Chị Liên à, hay là chị em mình du hành Ấn Độ tầm đạo một phen xem sao, có được không ?

Liên còn đang ngần ngừ. Đào tiếp lời Xuân ngay :

-- Phải đó chị Liên. Bây giờ là lúc rảnh rỗi. Chị và chị Xuân đi du lịch một phen qua bên Ấn Độ chơi cho biết. Nghe nói Mật Tông bên đó linh thiêng lắm .

Xuân lại đốc vô :

-- Hay đó chị Liên. Tiệm tiếc của em bây giờ đã có vợ chồng con Đào lo. Em có làm gì nữa đâu. Chúng mình chẳng bận bịu chồng con, buôn bán gì cả. Sao tụi mình không nhân cơ hội này đi chơi xa một chuyến cho vui nhỉ.

Liên nghe Xuân rủ rê; nàng bỗng để ý thấy con nhỏ này hôm nay thực khác quá xa với mấy tháng trước, hình như nó lột xác tự lúc nào. Bộ quần áo kiểu mới bó sát lấy thân thể con gái chín mùi, bốc lửa.

Nàng chợt nhớ lại ngày nó mất trinh còn là một con bé chết nhát. Nghĩ cũng tội lỗi. Hôm đó chính nàng tiếp tay với thằng bồ chủ trường thẩm mỹ hại đời nó. Chỉ vì sợ ngã đổi ý không mở cho nàng một chương mục với số tiền thật lớn.

Hôm đó hai chị em tới dự sinh nhật ngã chủ trường ở một căn biệt thự trên núi. Hai đứa định chờ cho khách về hết để nhờ ngã đưa chị em nàng về, vì ở đây rất khó kêu xe Taxi.

Lúc ấy Liên cũng đã uống vài ly rượu mạnh rồi. Cả Xuân cũng bị ép uống, nhưng không nhiều bằng nàng. Lúc tên chủ trường kêu nàng vào phòng. Liên đã biết y muốn gì rồi. Vì đây đâu có phải là lần đầu nàng ăn nằm với y .

Vừa khép cửa phòng, chưa kịp gài khóa, thằng cha đó đã vồ lấy nàng. Kéo phăng bộ đồ dạ hội và tuột quần lót nàng ra một cách thô bạo. Y vẫn có cái sở thích điên rồ, cuồng bạo đó mỗi lần gặp nàng. Có lần nàng còn bị y trói vô chân giường, đè ngửa trên sàn nhà để thỏa mãn .

Lần đầu Liên còn hoảng hốt, sau này những hành động đó chỉ làm cho nàng hứng khởi thêm. Bởi y chỉ được cái hùng hổ lúc ban đầu, vì chỉ chưa đầy một phút sau là y sụi rơ trong bực bội thảm thương.

Nhưng lần này có cái gì khác lạ. Sau khi cả hai không còn mảnh vải nào che thân. Y vẫn ôm cứng lấy nàng, hôn hít sờ mó mà không đè nàng liền ra sàn nhà nữa. Y ôm nàng quay lòng vòng như đang nhẩy một điệu luân vũ. Hai thân thể vẫn quện lấy nhau nóng bỏng. Phần thì hơi men làm cho Liên ngây ngất, phần thì sự cọ sát da thịt làm nàng đờ đẫn. . .

Thân thể y cũng nóng hừng hực và cứng ngắc. Lúc đầu Liên tưởng y làm như vậy để giữ cảm hứng lâu dài. Nhưng chỉ một lúc sau, nàng khám phá ra có người nhìn trộm qua khe cửa. Vì cánh cửa lúc đó chỉ khép hờ. Liên biết ngay người nhìn trộm đó là Xuân. Có lẽ con bé đợi lâu không thấy nàng ra nên đi kiếm, và khám phá ra màn cụp lạc này. Chắc nó tò mò nhìn trộm qua khe cửa tưởng không ai biết.

Liên vừa định lên tiếng. Lão chủ trường đã rít nho nhỏ bên tai nàng.

-- Em có im đi ngay không. Có nhớ anh còn nợ em một chương mục khổng lồ đó. Dư tiền mua nhà mua xe nữa kìa.

Và cứ thế, y biểu diễn cho kẻ nhìn trộm thưởng lãm. Với chủ ý phô bầy tất cả những gì riêng tư nhất của cả hai người . . .

Bên ngoài đúng là Xuân đang nhìn trộm bà chị mình và tên chủ trường vờn nhau. Lúc đầu nàng định bỏ đi, nhưng thấy là lạ, nên tò mò im lặng nhìn ngắm màn cụp lạc này xem kết cục ra sao.

Một lúc sau chính thân thể Xuân cũng nóng hừng hực. Nàng đưa tay lên ngực xoa bóp từ lúc nào không hay.

Chiếc váy ngắn cũn cỡn cũng đã bị nàng kéo lên để cho bàn tay thọc vào.

Trong phòng, bấy giờ tên chủ trưởng đã lấy chiếc áo bịt mắt Liên lại làm nàng thấy tối om mà không biết hắn đang giở trò gì. Chỉ biết nàng được y đặt nhẹ ngồi xuống sàn nhà, thì thầm bên tai là nàng phải ngồi im không được nhúc nhích. Ngay sau đó, Liên nghe thấy tiếng cánh cửa mở thật mạnh. Nàng vẫn không dán lên tiếng, vì nghĩ tới chương mục nhà băng mà ngày mai lão chủ trường mở cho nàng.

Mặc dù không nhìn thấy gì, nhưng Liên biết ngay là Xuân vừa bị kéo vô phòng. . .

-- Ủa, Sao chị Liên nghĩ ngợi gì mà thừ người ra như vậy ?

Tiếng Đào oang oang bên tai làm Liên chợt trở về với thực tại .

-- Hay là chị ngại đi chơi xa .

Liên nói thực nhanh để khỏa lấp hình ảnh tối hôm đó còn chờn vờn trong tâm trí nàng.

-- Không ... Không. Nên đi chứ.

Xuân reo lên rối rít.

-- Chị nói đó nhé. Để em đi đặt vé máy bay.

Liên mỉm cười dễ dãi .

-- Ừ mày muốn làm gì thì làm .

Đào nhìn Xuân thỏa mãn, nói :

-- Chị đi lo vé máy bay đi. Để em đưa chị Liên tới một ngôi chùa Mật Tông của Tây Tạng ở đây cho biết.

Nghe em nói, Xuân lật đật đi ngay. Chờ cho Xuân đi rồi, Đào đưa Liên ra xe rồi nói :

-- Bây giờ hai chị em mình tới ngôi chùa này. Em bảo đảm chị sẽ rất thích.

Liên hỏi :

-- Mày nói chùa Mật Tông Tây Tạng à ?

Đào đáp :

-- Dạ . . . một ngôi chùa rất đặc biệt .

Liên nói :

-- Tao cũng có nghe nhiều người nói về Mật Tông Tây Tạng. Nhưng đâu có biết ở đây cũng có chùa của họ !

Đào cười.

--Đúng rồi ... có ai lại chỉ đường cho chị đi buôn chứ.

Liên cười hì hì, nói :

-- Đi buôn . . . mày nói cái gì đó.

Đào phá lên cười khanh khách. Nàng nhìn Liên ranh mãnh .

-- Buôn chùa bán Phật.

Liên đập mạnh vào vai Đào la lớn :

-- Con nỡm . . mày nói tao như vậy hả .

Đào nghiên qua một bên, nói :

-- Em nói chơi thôi, chứ nếu chị đi chùa Mật Tông rồi, bảo đảm sẽ không trở lại chùa cũ nữa. Như vậy không phải là thầy chùa ở các nơi chị vẫn tới mất mối sao .

Liên cười :

-- Tao không nghĩ như mày nói đâu. Phật ở đâu không là Phật. Làm gì có chuyện có mới nới cũ chứ .

Đào gật đầu, nói :

-- Có đó chị.

-- Mày nói đi .

Đào nhìn Liên.

-- Có phải lâu lâu ở các chùa Việt Nam mình hay mời các cao tăng bên Tây Tạng tới thuyết pháp không.

Liên đáp :

-- Có . . . rồi sao ?

Đào nói :

-- Còn các chùa Mật Tông Tây Tạng chẳng bao giờ mời các sư sãi Việt Nam qua chùa họ thuyết pháp cả.

Liên hỏi :

-- Sao mày biết ?

Đào đáp :

-- Em là hội viên của một ngôi chùa Mật Tông Tây Tạng mấy năm rồi. Nơi mà em sắp đưa chị tới, Ở đó em chưa bao giờ thấy ông sư nào của Việt nam tới thuyết pháp cả, mà chỉ thấy các ông ấy tới nghe người ta thuyết pháp thôi.

-- Vậy sao !

-- Vậy đó chị. Chị có biết tại sao không ?

Liên lắc đầu.

-- Không, mày nói đi .

Đào nói :

-- Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ. Nhưng chính nơi đất Phật này, Phật Giáo lại bị đạo Bà La Môn hồi đó bách hại, và đàn áp tới gần như bị tiêu giệt. Số sư sãi còn lại chạy tứ tán qua những nước khác, nhiều nhất tại Trung Hoa, Nhật Bản và Tây Tạng.

Ở Nhật Bản, Phật Giáo bị đạo Zen của Nhật Bản pha trộn, nên đã thay đổi ít nhiều. Qua Trung Hoa còn bi thảm hơn nữa. Vì các triết lý của Khổng, Mạnh, Lão Tử đồng hóa nên biến đổi không ít. Duy chỉ có khi tới Tây Tạng còn tạm giữ được hầu hết đặc tính nguyên thủy của Phật Pháp. Vì địa lý của xứ sở này gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Nhưng không phải giữ được tới 100% đâu. Ở Tây Tạng cũng có đạo Bon ảnh hưởng tới Phật Giáo. Tuy nhiên, chính đạo Bon lại làm cho Phật giáo Mật Tông Tây Tạng có sức huyền bí và lôi cuốn Phật tử khắp nơi hơn !

Liên gật đầu nói :

-- Ừ, cái mày vừa nói thì tao không biết. Nhưng Phật giáo Tây Tạng nghe nói cũng chia năm xẻ bẩy gì đó phải không ?

Đào lắc đầu, nói :

-- Không hẳn là như vậy đâu chị. Nói tới Phật giáo ở Tây Tạng, tức là nói tới Mật Tông. Mà Mật Tông theo em biết thì có rất nhiều Dòng Truyền Thừa. Nhưng chỉ có 4 tông phái chính mà thôi. Mỗi tông phái có một vị Tổ sáng lập, Nhưng cũng đều thờ chung những vị Phật như chúng ta thôi.

Thấy Liên còn tư lự, Đào nói tiếp :

-- Dòng truyền thừa Mật tông lâu đời nhất là Nyingma dịch ra là Ninh Mã, mà chúng ta thường gọi là Tông phái Cổ Mật. Còn dòng truyền thừa Kagyu là Tông phái Ca Nhĩ Cư. Dòng truyền thừa Sakya là Tông phái Tát Ca. Dòng tuyền thừa Guélug là Tông phái Hoàng Mạo, sau này người ta thường gọi là Tông phái Mũ Vàng.

Sở dĩ có nhiều tông phái như vậy, vì cứ mỗi lần Phật giáo ở đó suy vong, rồi lại hưng thịnh, hoặc có một biến cố gì lớn, như tìm thấy một bộ kinh cổ giá trị nào đó thì có người lại lập ra Tông phái mới, để hưng thịnh Chánh Pháp, chứ thực sự họ không chia rẽ đâu.

Đào nói tới đây, nàng cũng lái xe vào một con đường nhỏ. Ở cuối đường có căn nhà lớn. Phía trước nhà là bãi đậu xe khá rộng.

Liên thấy xe cộ đậu chật ních. Đào phải đậu xe ngoài đường chờ, nhưng may mắn ngay lúc ấy, có người rời xe nên nàng mới có chỗ đậu.

Trên đường đi vào chùa, Liên nhìn thấy những lá cờ nho nhỏ đủ mầu sắc treo từng dây ở trên cao, dọc theo hàng rào và tủa ra từ mái hiên chùa.

Nàng hỏi Đào :

-- Bộ cờ Mật Tông Tây Tạng treo trên kia nhiều thứ như vậy sao ?

Đào cười khúc khích .

-- Không phài cờ đâu chị. Đó là những thần chú, được in ra để treo như một biểu tượng riêng của Mật Phái Tây Tạng thôi.

-- Thần chú gì mà nhiều quá vậy ?

-- Dạ, Mật Tông đa phần chuyên về thần chú và tu luyện thần thông. Nhất là những tông phái nào gần gủi với đạo Bon. Đặc biệt họ dùng Mạn Đà La để tiếp xúc với các vị Thần Linh Quán nào mà họ muốn.

Liên nhìn Đào ngờ vực hỏi :

-- Thần Linh Quán là vị thần phương nào, và Mạn Đà La là cái gì mà lại có thể để người trần tục như chúng mình dùng mà tiếp xúc được với các vị đó ?

Đào cười giải thích .

-- Thần Linh Quán là tất cả những vị Phật, Bồ Tát, Thần, Thánh nào mà mình tưởng tới họ. Còn Mạn Đà La thì khó giải thích cho chị hiểu lắm. Nhưng đại khái thì nó có thể ví như cái bản đồ, dẫn đường cho mình gặp các vị đó mà tu luyện.

Liên cười hì hì, nói :

-- Đừng có rỡn nghe nhỏ . . . Nếu Mạn Đà La mà được như vậy, mày dẫn tao đi mua một cái xem sao. Bao nhiêu tiền tao cũng chịu chi hết đó .

Đào cười ranh mãnh nói :

-- Chị khỏi phải mua, chúc síu nữa sẽ có người trao cho chị ngay. Chỉ sợ chị không dám lấy thôi.

Đào vừa nói tới đó, có một vị sư đi tới. Ông ta chắp hai tay để lên trán cúi đầu chào Đào. Liên cũng thấy Đào làm như vậy. Kiểu chào chắp hai bàn tay lại hơi khác với bình thường một chút. Vị sư này và Đào đều cong cong hai bàn tay lại, úp vào nhau như cái nụ hoa sen. Liên lúng túng chưa biết phải làm sao. Đào đã giới thiệu nàng vơí vị sư đó :

-- Thưa Lama, đây là bà chị họ con. Như đã thưa với Lama hôm trước, chúng con xin tới thọ lãnh lễ quán đảnh này.

Vị sư chỉ vô trong nói :

-- Mời hai cô vô trong. Cũng sắp tới giờ quán đảnh rồi.

Nói xong, ông ta lại chắp tay để lên trán cúi đầu chào Đào rồi bước ra vườn. Đợi cho nhà sư đi khỏi. Liên hỏi Đào :

-- Lễ quán đảnh là cái gì vậy mà mày hẹn với ông sư Lama này đem tao tới đây hả ?

Đào cười khúc khích nói :

-- Chữ Lama cũng như chữ Thầy của mình, có thể hiểu là Lạt ma, chứ không phải Lama là tên ông sư đó đâu chị. Còn nếu là một cao tăng thì người ta gọi ông ta là Rinpoche. Hoặc cao hơn nữa thì người ta gọi là Tulku. Nhưng thường thì Tulku cũng được gọi là Rinpoche.

Xuân hỏi :

-- Như vậy cũng giống như Phật Giáo mình gọi chư vị tu hành là Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng phải không ?

Đào đáp :

-- Cũng có thể tạm coi là như vậy. Nhưng sự thực thì Rinpoche phải là những vị sư có bằng tiến sĩ Phật học. Còn Tulku là các vị hóa thân của chư vị Phật, hoặc Bồ tát hay thần thánh nào đó tái sanh, để tiếp tục sứ mạng hoành dương đạo Pháp.

Liên lại hỏi :

-- Còn lúc nãy mày nói lễ quán đảnh là buổi lễ gì vậy ?

Đào nói :

-- À, em quên chưa trả lời chị. Lễ quán đảnh là gì hả. Đại khái đó là một nghi thức vị Rinpoche hoặc Tulku cho phép đệ tử mình tu tập một pháp môn nào đó. Trong buổi lễ quán đảnh, vị đạo sư đó sẽ giải thích làm sao tu tập Pháp môn này.

Liên tá hỏa nói :

-- Trời đất thiên địa ơi. Sao mày ẩu quá vậy. Tao có biết gì về Mật Tông đâu mà mày đem tao tới đây thọ lãnh lễ quán đảnh này vậy !

Đào nắm tay Liên, trấn an chị :

-- Chị đừng lo. Trong Mật Tông Tây Tạng chia ra làm hai cấp : Hiển Mật và Tối Thượng Du Đà Mật.

Hiển Mật thì ai thọ lãnh các lễ quán đảnh này cũng được. Khi về tu tập cũng được, mà quên đi cũng không sao.

Còn lễ quán đảnh thuộc về Tối Thượng Du Đà Mật thì chỉ dành cho các đệ tử đã tu luyện Pháp môn đó ở Hiển Mật mới được thọ lãnh. Và khi đã thọ lãnh rồi thì bắt buộc phải tu luyện cho tới chết. Nếu bỏ dở dang coi như phạm trọng tội. Tương đương với tội phỉ báng Phật. Hôm nay là lễ quán đảnh 13 thần linh Diêm Mạn Đức Ca, thuộc về Hiển Mật thôi.

Xuân nói :

-- Như vậy thì tao coi chơi không hề gì hả mày ?

Đào cười :

-- Chị này tầm bậy quá. Sao lại coi chơi chứ. Mình thọ lãnh bất cứ một nghi thức quán đảnh nào trong Hiển Mật, cũng được phước đức vô biên. Dù mình có tu luyện Pháp môn đó hay không.

Tuy nhiên, nếu mình chịu khó tu tập pháp môn đó thì sẽ được tiếp tục thọ lãnh Pháp môn đó ở bực cao hơn, trong Tối Thượng Du Đà Mật. Nơi đây đệ tử tu luyện Pháp môn đó, sẽ được hướng dẫn bước vào Mạn Đà La để gặp vị Thần Linh Quán của Pháp môn mình đang tu tập.

Có lẽ Liên đã hiểu một chút về Mật Tông Tây Tạng, sau khi nghe Đào giải thích từ nãy tới giờ. Nàng có vẻ phấn khởi lạ lùng. Không ngờ cũng là đạo Phật mà có nhiều sự khác biệt lý thú như vậy. Nàng tò mò hỏi Đào :

-- 13 thần linh Diêm Mạn Đức Ca, mình thọ lãnh quán đảnh hôm nay là những vị nào vậy hả Đào ?

Đào lắc đầu, nói :

-- Thú thực với chị em cũng không biết. Phải tham dự buổi lễ mới hiểu nổi. Còn Diêm Mạn Đức Ca là hóa thân của Phật Văn Thù Sư Lợi.

Liên nói :

-- Hình như Văn Thù Sư Lợi là Bồ Tát chứ đâu phải là Phật phải không ?

Đào gật đầu.

-- Chúng mình gọi là Bồ Tát nhưng trong Mật Tông Tây Tạng họ tin ông ấy là một vị Phật! Cái này cũng lạ lắm. Chị thấy ở Việt Nam mình, thường thường các chùa chiền đình miếu mới có ông Thiện, ông Ác, đứng trước cổng chùa phải không.

Còn Phật giáo Tây Tạng lại tin rằng; Chư vị Phật đều có thiện, có ác ! Có ông Ác mà hóa thân lại thiện. Cũng có ông Thiện mà hóa thân lại ác. Thí dụ như ngài Diêm Mạn Đức Ca là một vị thuộc về loại ác, nhưng chính là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.

Người ta kể rằng; Hồi muôn vạn kiếp trước, có một con ác quỉ thường hay giết hại dân chúng để ăn thịt. Nó reo kinh hoàng khắp nơi. Dân chúng khiếp sợ, không chịu nổi, mới tới cầu xin ngài Văn Thù Sư Lợi giúp đỡ.

Bồ Tát Văn Thù mới biến thành ngài Diêm Mạn Đức Ca to lớn, toàn thân mầu xanh dương gần như đen. 9 mặt, 34 tay,16 chân. Vị hóa thân của Văn Thù Sư Lợi này mới đánh nhau với con ác quỉ đó. Và sau khi chiến thắng thì thu nó làm đồ đệ. Phong cho chức Diên Vương. Chỉ định y phải cai quản địa ngục.

Liên kêu lên nho nhỏ :

-- Ồ, thì ra Diên Vương là đồ đệ của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi à .

Đào nói :

-- Dạ, đó là truyền thuyết trong giới Mật Tông Tây Tạng . Còn hôm nay, chúng ta tới đây thọ lãnh lễ quán đảnh 13 Thần Linh Diêm Mạn Đức Ca, để có thể sửa soạn thọ lãnh lễ quán đảnh ngài Diêm Mạn Đức Ca chính thức trong Tối Thượng Du Đà Mật, nếu mình muốn.

Còn ai chưa thọ lãnh quán đảnh 13 Thần Linh Diêm Mạn Đức Ca thì không đủ tiêu chẩn để thọ lãnh Pháp môn của ngài Diêm Mạn Đức Ca trong Tối Thượng Du Đà Mật đâu.

Nói tới đây hai chị em đã đi tới cổng chùa. Ở đây có một vị Lạt ma trao cho Đào và Liên một ly nước mầu vàng vàng để súc miệng và rửa tay, rồi mở cửa cho hai chị em nàng bước vào. Cả hai bỏ giầy ở ngoài đi vô chánh điện.

Liên thấy nơi đây không có bàn ghế gì cả. Căn phòng rộng mênh mông, được lót bằng thảm mầu đỏ sậm. Nhiều người đang ngồi xếp bằng trên thảm. Phía trước mặt họ gần vách tường là một khoảng nền nhà cao hơn chỗ các Phật tử ngồi một chút, và sát vách là bàn thờ với nhiều tượng Phật vàng chói.

Ngay chính giữa phía trước bàn thờ có một cái bục, có lẽ cũng cao gần một thước. Trên cái bục đó có chỗ ngồi được lót bằng loại gấm vàng xậm.

Còn vách tường hai bên phía các Phật tử ngồi có treo nhiều hình ảnh chư vị Phật bằng vải.

Bỗng Liên chú ý tới một bức tranh có hai người ngồi ôm nhau khỏa thân, trong tư thế giao hợp. Người nam lại có cái đầu giống như đầu bò. Nàng chới với, thì thầm hỏi Đào :

-- Đào ơi... mày coi kìa . Những bức tranh treo trên tường này sao lại có một cái hình vẽ cảnh chơi bời cụp lạc, kỳ cục như thế kia hả ?

Đào mỉm cười giải thích :

-- Những bức tranh đó gọi là Thăng-Ka. Tất cả hình vẽ đều là các chư vị Phật, hoặc giáo chủ của các Tông Phái Phật Giáo Tây Tạng. Hình chị nói là một loại tranh vẽ thuộc về Tối Thượng Du Đà Mật. Bức Thăng-Ka này trình bầy cảnh ngài Diêm Mạn Đức Ca đang ôm Phật Mẫu Vajravetali tạo thế hỷ lạc của sự hợp nhất trong Tánh Không.

Liên nói :

-- Theo tao nghĩ thì cái chuyện chăn gối này mà trưng bầy ở đây, coi bộ không hạp chúc nào rồi !

Đào lắc đầu nói :

-- Nếu chị biết cách thức tu luyện của Mật Tông trong Tối Thượng Du Đà Mật thì có lẽ chị không nghĩ như vậy đâu .

Liên nhíu mày nói :

-- Tu luyện bậy bạ như thế hả con cô hồn . . . !

Đào bình tĩnh nói :

-- Cái chính của tu luyện là sự quán tưởng. Có bốn cách thức quán tưởng từ dễ tới khó. Nhưng dù khó hay dễ thì cũng có giá trị như nhau. Không có cách thức nào cao, thấp hơn cách thức nào cả. Chỉ có cái khác nhau là; dễ thì lâu giác ngộ. Càng khó thì càng dễ giác ngộ, mà cũng càng dễ xuống địa ngục !

Liên nói :

-- Cái đó có liên quan gì tới bức Thăng-Ka kỳ cục kia đâu hả !

Đào gật đầu :

-- Có đó chị. Cách tu quán tưởng dễ nhất là mình nghĩ tới một người khác phái, vui vẻ, tươi cười với họ cho tới khi đoạt được sự hỷ lạc tột cùng để hợp nhất cùng họ trong Tánh Không. Cách tu luyện này có thể trải qua từ kiếp này tới kiếp khác, rất lâu mới có thể giác ngộ.

Cách thứ nhì cũng quán tưởng tới một người khác phái, nhưng tiến tới sự ôm ấp, âu yếm mà tạo ra hỷ lạc, hợp nhất cùng họ trong Tánh Không, để đoạt được sự giác ngộ.

Cách thứ ba là cũng quán tưởng tới một người khác phái, nhưng bằng cách giao hợp với họ, để có sự hỷ lạc mà tiến tới sự hợp nhất trong Tánh Không, dẫn tới giác ngộ. Cách tu luyện này có thể chỉ tu luyện trong một kiếp là đã đoạt được sự giác ngộ. Nhưng cũng dễ dàng xuống địa ngục ngay trong kiếp này !

Cách thứ tư không còn là dùng sự quán tưởng nữa, mà phải có một người khác phái đồng tu với mình. Cũng dùng cách giao hợp như cách tu luyện thứ ba, chỉ khác là việc thật, người thật thôi . Cách tu luyện này có thể đoạt được sự hợp nhất cấp kỳ trong Tánh Không để giác ngộ. Cũng có thể nói hành giả đang nằm trên sợi chỉ, lăn qua là giác ngộ , nhưng lăn lại là rơi xuống địa ngục ngay !

Hiện nay phái Mũ Vàng do Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cấm không được thực hành cách tu luyện thứ tư này nữa. Không biết có phải đụng vô cách thức tu luyện này là rủ nhau xuống địa ngục hết hay không! Vì chư vị hành giả lợi dụng cách tu tập này để hưởng thụ bậy bạ nhiều quá !

Đây là em chỉ nói sơ qua và rất đơn giản về 4 cách thức tu luyện này mà thôi. Vì không phải chỉ có thế, mà còn xen vào đó những luật lệ mà người tu luyện bắt buộc phải tuân theo, để không rơi vào trạng thái nhục dục của phàn trần. Người tu luyện cũng còn phải biết điều khiển hơi thở để di chuyển các kinh mạch mà tiếng Phạm gọi là : Sushumna, Ida và Pingala dọc theo xương sống, để khai mở 7 luân xa thu, phát năng lượng cho phù hợp với các giai đoạn tu luyện thì họ mới có thể tiến tới giác ngộ trong sự hợp nhất với Thần Linh Quán của mình được.

Liên chặc lưỡi nói :

-- Tu theo cái kiểu này coi bộ không dễ rồi đó.

Đào gật đầu :

-- Thì có ai nói tu theo Mật Tông Tây Tạng là dễ đâu ! Mà thôi, chị đừng nói chuyện nữa. Hình như buổi lễ bắt đâu rồi kìa. Các Lạt ma đã ra ngồi dưới chân bàn thờ rồi đó.

Ngay lúc ấy, một hồi chuông rung lên. Tất cả mọi người đứng dậy. Từ phía sau bàn thờ, một vị Lạt ma gầy gò, trông rất già nua đang đi ra. Ông ta chậm chạp tiến tới trước bản thờ thì dừng lại, quì xuống vái lậy hình tượng chư vị Phật bầy trên bàn thờ. Mọi người trong sảng đường cũng quì xuống vái lậy theo.

Sau đó vị Lạt Ma này leo lên bục trước bàn thờ, đứng trên bục quay mặt về phía bàn thờ. Ông ta đứng đó thực lâu.Trong sảng đường im phăng phắc. Liên hơi mất bình tĩnh, nàng tính hỏi Đào nhiều thắc mắc chợt tới trong đầu, nhưng không dám, vì lúc này mọi người im lặng quá. Phải nói một con ruồi bay qua cũng nghe thấy tiếng vo ve. Có lẽ vị Lạt ma này đứng im lặng như thế có hơn 20 phút, rồi mới quay lại hướng về phía Phật tử mà ngồi xuống.

Liên chợt thấy có một chút gì khác lạ khi vị Lạ Ma này ngồi xuống. Một tay ông ta cầm chùy kim cang. Một tay ông ta cần chuông rung lên từng hồi. Tiếng chuông vang vang trong đầu Liên nghe rền rĩ, mặc dù cái chuông ông ta cầm trên tay không lớn lắm, vậy mà tiếng chuông phát đi như lụa xé vậy .

Liên thấy Đào và mọi người đều quì xuống vái lậy. Nàng cũng lật đật làm theo. Lúc cúi sát mặt trên sàn nhà, Liên vội thì thào hỏi Đào :

-- Sao người ta lại lậy ông Lạt Ma này giống như lậy Phật vậy Đào ?

Đào trả lời thực mau :

-- Ông ta là một vị Tulku, và lúc nãy ông ấy đã tịnh hóa trở thành vị Phật mà chúng ta sắp sửa lãnh quán đảnh. Nên mọi người quì lậy vị Phật ấy, chứ không phải lậy ông Lạt Ma lúc mới bước vô nữa. Bây giờ chị ngồi yên, đừng hỏi gì nữa nhé.

Khi mọi người quì lậy xong, ngồi xuống, vị Tulku bắt đầu thuyết giảng. Ông ta nói bằng tiếng Tây Tạng. Có một thiếu nữ ngồi gần đó dịch ra tiếng Anh. Bây giờ Liên làm theo lời chỉ dẫn của thiếu nữ này như mọi người.

Gần 4 tiếng đồng hồ sau buổi lễ mới kết thúc. Trong buỗi lễ, mọi người nhận được một sợi chỉ đỏ và hai nhánh cỏ mà cô thiếu nữ kia nói tên là cỏ Kusha. Công dụng của hai cọng cỏ này là sẽ tạo ra một giấc mơ mà tối nay trước khi đi ngủ, phải để một cọng dưới gối, và một cọng nằm đè lên theo thế Phật nhập nhiết bàn.

Còn sợi chỉ đỏ phải cột ở cổ tay để bảo vệ khỏi bị quỉ thần ám hại trong khi ngủ mơ. Giấc mơ này khi hành giả thức dậy, sẽ nhớ từ đầu tới cuối rất rõ dàng. Theo lời thiếu nữ thông dịch lại thì giấc mơ này sẽ diễn tả cuộc đời tu luyện Pháp môn này mà hành giả sẽ trải qua. Cũng như hành giả sẽ dùng Pháp môn này như thế nào cũng được báo trước trong giấc mộng .

Trên đường về, Liên bán tín, bán nghi những gì tiếp nhận được trong buổi lễ quán đảnh này. Nàng suy nghĩ miên man. Không lý đây chỉ là ảo giác. Những hình ảnh khi bị bịt mắt bằng một giải lụa mầu đỏ, để tưởng tượng đi theo vị Tulku bước vô Mạn Đà La, gặp vị Thần Linh Quán của nàng mà rùng mình. Có thể được như vậy thật hay sao ! Nàng đã lạc vào một thế giới khác lạ trong Mạn Đà La. Cỏ cây, hoa lá, vàng bạc, châu báu hoàn toàn khác với thế giới bên ngoài. Nàng không thế nào diễn tả được hình ảnh, mầu sắc của những vật thể này. Chỉ biết chúng lung linh, chập chờn, sáng chói mà êm dịu. Vang lừng lại tĩnh mịch. Thân thể nàng bồng bềnh như đi trên mây, như nằm trên dòng suối mát . . . . .

1 view0 comments

Commentaires


bottom of page