top of page
Writer's picturehungson1942

THỜI MẠT PHÁP # 7*

Updated: Jul 26, 2022


Chương 7

Máy bay đáp xuống sân bay Lhasa Gonggar, phía nam thành phố Lhasa - thủ phủ của Tây Tạng. Đúng như lộ trình hãng du lịch đã ấn định trước. Vì chuyến du lịch này chỉ có 8 ngày, mục đích để du khách viếng thăm cung điện Potala, các hồ gần đó và sau cùng là hồ thiêng Namtso.

Liên và Xuân chù tính sau 8 ngày đi theo đoàn du lịch này, sẽ ở lại Tây Tạng để tiếp tục cùng với một đoàn du lịch khác ở địa phương, tham gia lễ tấn phong tân viện trưởng Tông Phái Ngân Hà Đại Cổ Mật, với mục đích chính là được thọ lãnh lễ quán đảnh ngài Diêm Mạn Đức Ca, trong Pháp môn Tối Thượng Du Đà Mật.

Cũng phải nói là rất may mắn cho Liên và Xuân, đã được cô hướng dẫn viên trong đoàn giúp làm giấy tờ ở lại Tây Tạng, và ghi danh tham gia đoàn hành hương địa phương tới tu viện của Tông Phái Ngân Hà Đại Cổ Mật . Cô ta là dân Tây Tạng, sanh ra tại Lhasa và lại là người du học bên Mỹ, nên nói tiếng Anh khá lưu loát.

Lúc tới khánh sạn trời đã khuya. Mọi người vừa được ăn trên mày bay nên mạnh ai nấy tới phòng mình nghỉ ngơi ngay. Có lẽ cũng vì độ cao khi máy tới nơi mà được mênh danh là nóc nhà của thế giới, nên du khách bị choáng. Liên và Xuân cũng không ngoại trừ trường hợp này. Bởi vậy cả hai nhẩy lên giường làm một giấc tới sáng. Khi cô hướng dẫn viên du lịch tới đập cửa mới thức dậy.

Bữa ăn sáng tại khách sạn là bánh mỳ Balep cùng với món thịt chiên Shapta và trà bơ nóng. Món bánh mỳ này không giống như bánh mì ở các nước khác nướng trong lò. Bánh mỳ Balep lại được chiên trong chảo với một ít bơ nên béo béo, dòn dòn.

Liên ăn xong miếng bánh với vài lát thịt, nheo mắt nói với Xuân :

-- Du lịch kỳ này tao e tụi mình lên ít nhất vài ký quá .

Xuân nhắp một ngụm trà bơ, cười .

-- Chị thử uống ly trà bơ này rồi biết. Không phải lên vài ký đâu. Em nghi dám lên vài chục ký lắm đó .

Cô hướng dẫn viên trong đoàn du lịch cũng vừa đi tới bên bàn Liên và Xuân hỏi :

-- Hai chị dùng bữa sáng, thấy món ăn ở đây thế nào ạ ?

Cả hai cùng cười, Liên nói :

-- Ngon ... ngon lắm. Nhưng cô có dùng các món ăn này thường xuyên không hả ?

Có lẽ cô ta hiểu ý Liên muốn nói gì, nên cười xòa :

-- Thưa chị, hồi còn ở đây, đương nhiên là em ăn các món này hàng ngày rồi. Nhưng từ ngày qua Mỹ sống thì ít khi em dám đụng tới chúng lắm.

Vừa nói, cô ta vừa phùng má, làm dáng như mình có một thân hình phì nộm lắm. Lúc ấy nhiều người trong đoàn du lịch đã ăn xong, đang theo sau cô hướng dẫn viên cùng cười nghiêng ngả vì bộ điệu duyên dáng của cô ta.

Sau bữa sáng. Liên và Xuân cùng mọi người theo cô hướng dẫn viên du lịch tụ tập trước khách sạn để lên xe bus. Khi thấy mọi người đã ngồi vào chỗ đông đủ. Cô ta chỉ tay về phía trước nói :

-- Thưa quí vị. Sáng nay chúng ta sẽ tới thăm cung điện Potala kia. Đây không phải là cung điện được xây bởi vua Songtsen Gampo vào năm 637 để đánh dấu cuộc hôn nhân giữa ngài và Công chúa Văn Thành của nhà Đường, Trung Hoa thời bấy giờ đâu. Bởi vì cung điện đó không còn hoàn toàn nữa. Nhưng tới thế kỷ thứ 17, vào năm 1645 cung điện này mới được ngài Losang Gyatso là vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 cho xây lại, ròng rã gần 50 năm mới hoàn thành.

Cung điện Potala mới được xây ở trên ngọn đồi Marpori này, cao hơn 90 mét cách mặt đường thành phố. Đây là một trong ba ngọn đồi được cho là linh thiêng nhất của Tây Tạng. Ngọn đồi này người ta còn tin rằng; đó là biểu hiện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát .

Cung điện Potala có ba khu vực chính. Trên cùng là hai tòa Hồng cung và Bạch cung.

Hồng Cung là nơi có nhiều điện thờ chư vị Phật và Bồ Tát. Và nơi đây cũng là nơi được đặt linh vị của các Đạt Lai Lạt Ma khi vãn sanh. Có điều đặc biệt là những bức tường của Hồng cung đều được xây bằng loại gạch mầu đỏ thẫm, như mầu tăng bào của các Lạt Ma Tây Tạng đang khoác từ trước tới nay.

Còn Bạch Cung là nơi của các đời Đạt Lai Lạt Ma sinh sống và làm việc.

Ở khu phía trước cung điện Potala, nơi chúng ta bắt đầu vào có ba cửa là Đông, Tây và Nam cùng hai lầu gác. Khu vực này là những sảng đường làm việc của các nhân viên và Lạt Ma trong cung điện. Tại đây, còn có cả chuồng ngựa và nhà giam nữa .

Và khu sau cung điện Potala là một cái hồ thiên nhiên vĩ đại, tuyệt đẹp .

Thưa quí vị, chúng ta phải đi lên những bực thang, để tới lâu đài trên ngọn đồi này. Như lúc nãy em thưa cùng qúi vị. Ngọn đồi cao hơn 90 mét, và cung điện có tới hơn 1000 phòng. Tòa nhà tổng thể cao tới 117 mét và chiều ngang khoảng 270 mét. Còn chiều dài thì hơn 360 mét. Như thế em chắc chắn là hôm nay quí vị sẽ rất mệt. Nhưng em tin là bây giờ quí vị đều khỏe như thiên thần, nên không cần phải bận tâm nữa.

Câu nói sau cùng dí dỏm và duyên dáng của cô hướng dẫn viên du lịch làm mọi người cười rộ. Xe bắt đầu chuyển bánh và chẳng mấy chốc đã tới bãi đậu xe của cung điện Potala.

Bước xuống xe, nhìn lên cung điện Potala bề thế, Liên tự nhiên thấy mình nhỏ bé làm sao. Dưới bầu trời trong xanh, nắng ấm chan hòa và những cơn gió nhè nhẹ thoảng qua, làm cho tâm hồn nàng an vui lạ thường. Khách du lịch từng nhóm khắp nơi, đang di chuyển từng đợt lên những bực thang thực an hòa.

Toán du lịch của nàng cũng bắt đầu tiếp vào giòng người đó. Càng lên cao, Liên càng cảm thấy có cái gì cuốn hút. Nơi đây thanh tịnh quá. Đền đài cùng với những nóc nhọn và mái bầu bịt vàng sáng chói, long lanh dưới ánh nắng rạng ngời của mặt trời đang tỏa sáng.

Có những lúc có một cái gì đó làm Liên như đắm chìm vào không gian của những bức Thăng-Ka treo khắp nơi trên tường trong cung điện. Hàng vạn ức chư Phật đầy hào quang tỏa sáng tới tận đáy lòng nàng trong sự im lặng kính sợ, đã đưa hồn nàng lạc vào nơi an lạc, trong đại định của những cơn mưa hoa ngũ sắc hỉ lạc, giải thoát khỏi châu thân.

Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát. Cõi đại định của ngài trên thế gian là chốn này hay sao.

-- Chị Liên... chị Liên... Chị đang nghĩ gì mà khờ người ra vậy !

Liên choàng tỉnh vì tiếng Xuân réo gọi bên tai. Nàng ngơ ngác một giây, nhìn Xuân mỉm cười không nói gì. Đoàn người đi hết đền đài này tới đại sảnh khác, nối nhau như bất tận mãi cho tới chiều mới trở xuống xe bus về khách sạn. Và cứ như thế mấy ngày liền, cô hướng dẫn viên đưa đoàn du lịch đi miên man khắp nơi trong cung điện Potala.

Nhưng cũng theo lời cô ta. Sự thực còn rất nhiều chỗ trong cung điện này, không cho phép người ngoài được lui tới. Những ngày sau đó, đoàn được đi thăm mấy cái hồ trong nội thành Lhasa và cho tới ngày cuối cùng, trước khi trở ra phi trường về Mỹ. Đoàn được đi thăm hồ thiêng Namtso.

Xe bus chạy về hướng bắc Lhasa. Mọi người háo hức trên con đường dài tới nơi được mệnh danh là hồ thiêng và đẹp nhất xứ sở này. Như thường lệ. Cô hướng dẫn viên du lịch lại bắt đầu giới thiệu về vùng đất sắp tới. Giọng nàng tha thiết và thực ấm .

-- Kính thưa quí vị. Đây là chuyến đi chót trong lần du lịch này. Quí vị đang tới một vùng đất thiêng liêng với trời, mây, nước và núi non hùng vĩ bực nhất của Tây Tạng. Hồ thiêng Namtso không phải chỉ là một thắng cảnh, mà nơi đây còn là chỗ dân chúng Tây Tạng tin rằng; chỉ đi chung quanh hồ một vòng thì kiếp sống này sẽ được an vui, no ấm và hạnh phúc tuyệt vời.

Chúng ta sẽ đi trên con đường đèo Lakenla chạy dài như một giải khăn lụa, từ trên cao đổ xuống ven hồ. Quí vị sẽ thấy cả đồng cỏ mênh mông với từng bầy bò yak. Loại bò lông dài và cao trên dưới 2 thước.

Chúng ta sẽ đứng bên bờ hồ long lanh mầu nước ngọc lam, nhìn qua bên kia là núi non hùng vỹ. Đó chính là dãy núi Nyantsentanglha mà quí vị vừa đi qua, bao bọc chung quanh hồ thiêng. Người ta đã ví hồ thiêng Namtso và núi Nyantsentanglha như một cặp tình nhân âu yếm bên nhau trong cuộc tình muôn thuở. . .

Xe bắt đầu đổ giốc và chỉ vài phút sau đã tới bãi đậu xe cho du khách thưởng lãm khung trời bao la, núi non hùng vĩ, mây nước mênh mông của hồ thiêng Namtso. Sau khi xuống xe, cô hướng dẫn viên du lịch căn dặn những điều cần thiết và để cho du khách tự do đi chung quanh hồ trong vòng hai tiếng sẽ phải trở về xe .

Liên và Xuân tách đoàn người đi lang thang về phía trước. Không khí ở đây trong lành quá. Ngồi trên xe cả giờ, bây giờ được đi bộ ven hồ. Liên thấy thoải mái vô cùng. Những bắp thịt tê cứng như được ai thoa bóp. Nàng vươn hai tay lên cao, ngước mặt lên trời hít một hơi thật dài.

Bỗng có tiếng ai hát thực hào hùng vang vang ở sau mấy tảng đá phía trước :

" Năm anh em trên một chiếc xe tăng

Như năm bông hoa nở cùng một cội

Như năm ngón tay trên một bàn tay

Đã xung trận là năm người như một..."

À há . . . a hà a . . . . .

Tiếng hát À há . . . a hà a . . . . . tiếp theo lại là nhiều giọng hòa vào nhau, trầm bổng thật du dương, và vui thú. Tiếng À há . . . vừa dứt, giọng ca solo lại vang lên :

" Vào lính xe tăng anh trước anh sau

Cái nết ở ăn mỗi người một tính

Nhưng khi hát là hòa cùng một nhịp

Một người đau là tất cả quên ăn " (1)

Tiếng ca solo vừa rứt thì giọng ca nhiều người lại hòa theo :

À há . . . a hà a . . . . .

Liên và Xuân thích thú hát theo, hòa vào tiếng ca trầm bổng du dương " À há. . .a hà a. . . ". Hình như những người đang hát nghe thấy giọng ca hòa vào bản nhạc mình hát có thêm giọng nữ nên ngừng ngay lại. Và lúc ấy, Liên và Xuân cũng chợt nhìn thấy năm nhà sư vừa nhô ra từ một phiến đá lớn gần đó.

Họ chạy ào lại trước sự ngạc nhiên thích thú của hai chị em Liên. Bài hát vừa rồi tưởng phải thốt ra từ những quân nhân oai hùng trên chiến địa. Ai ngờ lại là từ năm ông sư này ! Họ đều mặc áo dài nâu. Khoác túi đeo vàng. Đầu cạo trọc nhẵn thín !

Khi chạy tới gần hai chị em Liên. Một nhà sư hơi lớn tuổi trong đám mừng rỡ hỏi :

-- Các cô là Việt kiều hả ?

Xuân vừa định nói thì Liên đã cướp lời :

-- Dạ thưa thầy. Tụi con lại tưởng gặp mấy anh bộ đội cụ Hồ nên hát theo. Ai ngờ lại là quí thầy, thật xin lỗi .

Nhà sư xua tay rối rít :

-- Không có sao... không có sao. Gặp được người đồng hương ở đây là quí hóa quá rồi.

Xuân cười hì hì lên tiếng :

-- Thưa thầy, tại sao thầy lại biết tụi con là Việt kiều mà không phải là người ở trong nước ?

Nhà sư cũng cười hì hì , nói :

-- Nghe giọng các cô hát nên đoán già đoán non thế thôi. Nhưng bây giờ nghe cô nói thì chắc chắn cô ở nước ngoài lâu rồi .

Liên nói :

-- Dạ, tụi con ở Mỹ. Các thầy tu ở đâu ạ ?

-- Ồ... chúng tôi ở Hà Nội, được phái tới đây tu học một khóa sáu tháng. Và nhân tiện đại diện luôn cho Giáo Hội trong nước tham dự ngày ngài tân Lạt Ma viện trưởng Tông Phái Ngân Hà Đại Cổ Mật nhận chức.

Cả Xuân và Liên cùng reo lên .

-- Oah. . . vậy thì hay quá .

Nhà sư ngạc nhiên hỏi :

-- Ơ... tại sao lại hay là thế nào ?

Xuân nói ngay .

-- Dạ... Chẳng là hôm nay là ngày chót trong chuyến du lịch Tây Tạng của tụi con. Nhưng chúng con đã xin ở lại để tới Tông Phái Ngân Hà Đại Cổ Mật thọ lãnh quán đảnh ngài Diêm Mạn Đức Ca. Bây giờ lại gặp qúi thầy ở đây thì hay quá rồi còn gì nữa.

Cả năm nhà sư đều lộ vẻ hân hoa ra mặt. Vị sư trẻ tuổi nhất. Có lẽ là một chú tiểu lên tiếng :

-- Thế là đỡ khổ rồi . . . đỡ khổ rồi !

Cả Xuân và Liên đều ngơ ngác, Liên hỏi :

-- Thưa thầy, tại sao lại đỡ khổ ạ ?

Vị sư trẻ định nói gì thì nhà sư lớn tuổi cướp lời.

-- Chú Thích Anh Tài được theo các thầy qua đây là vì chú ấy có số vốn Anh ngữ kha khá. Hơn nữa lại học về ngành điện ảnh, nên đi theo phái đoàn làm thông dịch và chụp hình quay phim làm tài liệu. Nhưng . . .

Vị sư lới tuổi nói tới đây hơi ngập ngừng thì một vị sư đứng bên chú tiểu Anh Tài tiếp lời :

-- Nhưng trong lớp học, chú ấy chẳng hiểu các vị giáo sư Lạt Ma nói gì cả ! Báo hại tụi tôi như vịt nghe sấm vậy !

Chú tiểu Anh Tài cười hì hì nói :

-- Mấy ông ấy thông dịch ra tiếng Anh bằng âm Tây Tạng thì có thánh mới hiểu .

Một vị sư khác nhìn chú tiểu, cười :

-- Dốt thì chịu dốt đi, còn làm bộ đổ vấy cho âm Tây Tạng với chẳng âm Tây Ba Lô gì nữa.

Mọi người cười xòa làm chú tiểu sấu hổ lùi lại phía sau, như muốn dấu mặt trước hai người đàn bà lạ.

Liên nói :

-- Thật là thất lễ, từ nãy tới giờ nói chuyện mà chúng con chưa biết quí danh của quí thầy là gì ạ. Còn con là Liên, em họ con đây là Xuân.

Vị sư lớn tuổi nói :

-- Thiện tai... thiện tai. Được gặp các cô ở đây quả là cái duyên lớn của nhà chùa. Thầy là thượng tọa Thích Trí Cơ. Trưởng phái đoàn.

Rồi quay qua chỉ từng vị sư còn lại giới thiệu :

-- Còn đây là các Đại Đức Thích Huệ Cơ. Thích Hồng Cơ, Thích Minh Cơ và chú tiểu Thích Anh Tài thì các cô biết rồi.

Xuân nghe vị sư lớn tuổi nói chú tiểu này thông thạo về điện ảnh, lại thấy trên tay chú ấy cầm chiếc máy chụp hình hiệu Nikon F to tướng thì biết ngay là dân nhà nghề. Nàng vòng ra sau mấy nhà sư, nơi chú tiểu Anh Tài đang đứng nói với chú ấy :

-- Con rất thích chụp hình, vậy xin thầy chụp cho con mấy tấm hình ở hồ này làm kỷ niệm được không ạ.

Chú Anh Tài gật đầu lia lịa, nói :

-- Được chứ. . . được chứ. Chúng mình tới mấy mỏm đá kia, có nước, có cảnh núi non phía sau hồ thì tuyệt đẹp.

Xuân hơi ái ngại, quay lại nhìn thượng tọa Trí Cơ như dò hỏi để xin phép. Nàng thấy ông ta gật gật đầu thì chú tiểu Anh Tài đã kéo vạt áo nàng đi, nói nho nhỏ .

-- Đi... đi.. không sao đâu mà .

Đi được một quãng Xuân mới hỏi nho nhỏ :

-- Đi thế này, Thầy không sợ thượng tọa la sao ?

-- La cái gì. Tôi không la ông ấy thì thôi, chứ ông ấy mà dám la tôi hay sao .

Xuân hơi khựng lại nói .

-- A Di Đà Phật... thầy nói cái gì đó !

Chú tiểu Anh Tài cười hì hì .

-- Nói thực với chị nhé. Không có bố em thì mấy trự này đâu có được qua đây mà dám lên mặt với em chứ. Tu cái gì mà tu !

Xuân kêu lên .

-- Trời ơi . . .

Chú tiểu Anh Tài vẫn nói tỉnh bơ .

-- Chị đừng gọi em bằng thầy nữa nhé. Cứ gọi Anh Tài đi cho thân mật.

Xuân ngần ngừ..

-- Con đâu dám .

-- Đó... đó, lại còn xưng con nữa. Em nói thực mà. Bây giờ không có ai, chị cứ gọi em là Tài đi. Em nói thực đó, chứ có ai là đại là tiểu bao giờ đâu.

Xuân quay lại phí sau nhìn chị mình đang nói chuyện với mấy nhà sư ở xa xa. Hỏi Anh Tài.

-- Vậy chứ mấy vị sư kia không phải là thầy chùa à ?

Anh Tài gật đầu, nói :

-- Chỉ có một mình em không phải là thầy chùa thôi. Còn mấy ông ấy đều là thầy chùa cả đó chị. Nhưng mà họ đều là chân tay của bố em. Nên không có ai dám làm gì em đâu.

Xuân mỉm cười hỏi :

-- Bố em là ai mà ghê vậy ?

Anh Tài hãnh diện nói :

-- Bố em làm ở trong Bộ Chính Trị .

-- Bố em làm gì trong đó .

-- A . . Bố em là Ủy Viên trong Bộ Chính Trị đặc trách về tôn giáo .

Xuân chợt hiểu .

-- Thì ra thế. Họ nể em là phải rồi. Nhưng tại sao em lại phải giả dạng làm chú tiểu làm chi vậy ?

Anh Tài cười cười hì hì .

-- Đi theo phái đoàn thầy chùa làm gì có người ngoài. Hơn nữa sau chuyến đi này, phái đoàn còn được bố em bố trí cho qua hải ngoại lập chùa cho Đảng nữa. Chị có biết không. Cái ông Trí Cơ này tâm địa ghê gớm lắm chứ không vừa gì đâu.

Xuân phì cười hỏi :

-- Ông ấy tâm địa ra làm sao mà ghê gớm .

Anh Tài nghiêm mặt nói :

-- Theo bố em nói thì khứa ấy muốn thâu tóm cả Giáo Hội Phật Giáo trong tay .

Xuân trố mắt hỏi :

-- Làm sao mà được .

Anh Tài gật đầu, nói :

-- Được chứ chị. Ở miền Bắc có chùa Bát Đế ở Bắc Ninh. Thực sự thì đó là đền chứ không phải là chùa. Vì nơi đó thờ 8 vị vua thời nhà Lý. Nơi này ai mà làm trụ trì thì coi như là nắm toàn cõi chùa chiền ở Việt Nam. Ông Thích Trí Cơ này xin với bố em về đó.

Xuân hỏi :

-- Thế bố em có chịu không ?

-- Chịu chứ, nhưng mà có điều kiện.

-- Điều kiện ra làm sao ?

Anh Tài thực thà nói :

-- Em chỉ nghe bố nói với mẹ là Đảng sẽ bắt ông ta ra hải ngoại, thiết lập một hệ thống chùa chiền cho nhà nước. Trước khi được đề cử làm trụ trì ở chùa Bát Đế .

-- Có chuyện đó sao em.

Anh Tài gật đầu, nói :

-- Dạ, đúng vậy. Lúc ấy em cũng nghe mẹ em nói: Thế thì cũng phải bảo họ phải cho em theo họ ra hải ngoại để đi học cho đỡ tốn tiền.

Xuân nhìn Anh Tài thực nhanh, tủm tỉm cười :

-- Và em trở thành chú tiểu phải không .

Anh Tài không trả lời câu hỏi của Xuân, Y cười hì hì, chỉ phiến đá dưới hồ nói :

-- Chị đứng dựa vào tảng đá kia. Em chụp pô này đẹp khỏi chê cho chị coi .

Trong khi đó, Liên và thượng tọa Thích Trí Cơ sánh vai nhau đi dọc theo ven hồ. Còn ba ông Đại đức sắn quần lội xuống nước đi ngược trở lại.

Thượng tọa Trí Cơ hỏi Liên :

-- Chiều nay trở về khách sạn, tới bao giờ các cô mới tới Tu viện Tông Phái Ngân Hà Đại Cổ Mật ?

Liên nói.

-- Thưa thầy, chiều nay là toán du lịch của tụi con lên phi trường trở về Mỹ. Còn tụi con sẽ ở lại khách sạn cho tới ngày mốt, sẽ có người của hãng du lịch mới tới đón.

Thượng tọa Trí Cơ nhìn nàng nói .

-- Họ sẽ đưa các cô tới Tu viện Tông Phái Ngân Hà Đại Cổ Mật ngay, hay là còn đi chơi đâu nữa không ?

Liên lắc đầu .

-- Thưa thầy, chúng con chỉ mua vé tới Tu viện Tông Phái Ngân Hà Đại Cổ Mật. Hãng du lịch sẽ sếp đặt cho chúng con ở đó dự lễ quán đảnh trong ba ngày, rồi đưa ra phi trường trở về Mỹ thôi. Chứ không đi đâu nữa ạ.

Thượng tọa Trí Cơ chặc lưỡi :

-- Tiếc thật, giá các cô ở lại đây lâu lâu thêm một thời gian nữa thì các thầy cũng cần nhờ các cô ít việc.

Liên hỏi :

-- Thầy cần việc chi ạ ?

Thượng tọa Trí Cơ than :

-- Tưởng chú tiểu nhà tôi đi theo thông dịch, ai ngờ cậu ta chẳng biết mô tê gì cả. Cứ đổ cho họ nói khó nghe quá, có chán không.

Liên hỏi :

-- Vậy các thầy còn học bao lâu nữa ạ ?

Thượng tọa Trí Cơ nói :

-- Đã chính thức học ngày nào đâu. Mới có mấy bữa vô lớp nhận kinh sách và nghe thuyết trình về đề tài tổng quát của khóa học mà thôi. Sau khi dự lễ nhận chức Viện Trưởng của ngài Lạt Ma Tân Viện Trưởng khóa học mới bắt đầu. Không biết rồi chúng tôi phải làm sao nữa !

Liên nhìn thầy Trí Cơ thông cảm, nói :

-- Đi học như vậy thì cũng khó thực. Các giáo sư Lạt Ma giảng bằng tiếng Tây Tạng. Có người dịch ra Anh ngữ cho các học viên ngoại quốc, mà thông dịch viên của mình không khá thì làm sao mà học hành gì được cơ chứ.

Bỗng thượng tọa Trí Cơ đứng lại hỏi :

-- Cái này thầy hỏi thực nhé. Khi trở về Mỹ cô Liên có bận bịu gì nhiều không ?

Liên cười hì hì .

-- Thấy con chán đời, nên mấy đứa em mới rủ qua đây hành hương chùa chiền cho vui thôi, chứ ở Mỹ thời buổi này càng làm ăn càng chết sớm. Mấy tháng nay rồi, con đâu còn làm ăn gì nữa.

-- Vậy thu nhập hàng ngày không còn thì làm sao mà sống.

Liên thực thà nói :

-- Con chẳng có chồng con gì. Mấy chục năm nay ở với bà cô. Làm ăn cũng dư giả chúc đỉnh. Sống tần tiện qua ngày thì cho tới già cũng không sao. Bà cô con là mẹ của con Xuân vừa rồi thầy thấy đó .

Ngưng một lát, Liên chép miệng nói tiếp

-- Cũng nói thực với thầy, sau khi làm bộ khai phá sản để trốn thuế. Ý con là định qua Ấn Độ xuất gia ít lâu, rồi trở về Việt Nam xây chùa, nuôi trẻ mồ côi cho vui thôi.

Mắt thượng tọa Trí Cơ sáng lên, ông hấp tấp hỏi :

-- Cả hai cô cùng muốn xuất gia à ?

Liên cười khổ, chỉ tay ra mỏm đá, chỗ Xuân đang đứng tạo dáng cho chú tiểu chụp hình :

-- Thầy coi kìa. Con nhỏ đó có mà tu hú. Chúng con định dự xong lễ quán đảnh ngài Diêm Mạn Đức Ca. Con Xuân sẽ đưa con qua Ấn Độ ở nhà bạn nó, để con tìm đường xuất gia. Còn nó phải trở về Mỹ, vì hãng xưởng làm ăn của chị em chúng nó đang phát triển mạnh.

Thượng tọa Trí Cơ hỏi :

-- Thế cô Liên đã có hẹn chùa chiền nào để xuất gia ở Ấn Độ chưa ?

Liên lắc đầu thưa :

-- Dạ , thưa chưa. Bạn em con dù là người Ấn, nhưng cũng chỉ là dân làm ăn chung với chúng nó. Chứ trước khi đi con có hỏi họ, họ chỉ cười trừ thôi.

Nghe Liên nói, Thượng Tọa Trí Cơ có vẻ hớn hở ra mặt. Ông nói :

-- Thiện tai... Thiện tai. Nếu cô Liên muốn xuất gia thì việc gì phải tới Ấn Độ cho phiền phúc. Thầy có thể giúp cô Liên toại nguyện mà.

Liên nhìn Thượng Tọa Trí Cơ nói :

-- Cám ơn thầy. Nhưng con sang đây là có ý muốn xuất gia theo một Dòng Phái Mật Tông. Chứ còn thầy tu theo Tịnh Độ thì có lẽ con không có duyên đâu thầy.

Thượng tọa Trí Cơ xua tay nói :

-- Được mà... được mà. Để thầy nói cho cô Liên nghe nhé. Khóa tu học của thầy theo sắp tới là mục đích đào tạo tăng ni để trở thành Lạt Ma cho Tông Phái Ngân Hà Đại Cổ Mật. Bởi vậy nếu cô Liên chịu ở lại đây theo tu học khóa này, đương nhiên cô sẽ trở thành nữ Lạt Ma rồi. Không phải Mật Tông hay sao .

Liên nói :

-- Nhưng thưa thầy, khóa tu học này chỉ dành cho tăng ni thì con làm sao lọt vô đó được.

Thượng tọa Trí Cơ cười ha hả :

-- Cô Liên không biết thầy là trụ trì một ngôi chùa khá lớn ở Việt Nam sao. Hơn nữa, qua đây ngoài mục đích theo tu học khóa này để hiểu biết thêm về Phật Pháp. Thầy còn là trưởng phái đoàn đại diện cho Giáo Hội Việt Nam tham dự lễ tấn phong Tân Viện Trưởng Dòng Phái Ngân Hà Đại Cổ Mật nữa . Đưa cô Liên vào phái đoàn của thầy có khó gì đâu. Miễn là cô Liên chịu làm ni cô trong phái đoàn là được rồi.

Liên mừng rỡ nói :

-- Được như vậy thật sao thầy.

Thượng tọa Trí Cơ gật đầu quả quyết :

-- Nhất định là được rồi. Rất may mắn vì chuyến đi này tới 6 tháng, nên thầy có đem theo cả thẻ CHỨNG ĐIỆP THỌ GIỚI. Của Ban Tăng Sự Trung Ương. Có đóng dấu và thị thực của chủ tịch UBND phường, quận đàng hoàng cách đây 10 năm. Trên thẻ còn có cả tên tuổi của chư vị Tam Sư Thất Chứng nữa nhé. Đứng đầu là Hòa Thượng đàn đầu, rồi tới Yết ma A-Xà-Lê , thứ ba là Giáo thọ A-Xà-Lê. Còn Ban tôn chứng tăng già từ đệ nhất tới đệ thất toàn là thượng tọa đạo cao đức trọng. Trong đó có cả tên thầy nữa. Chỉ có tên người thọ giới là bỏ trống. Nay điền tên cô Liên vào là đương nhiên cô đã thành sư bà trong chùa thầy rồi còn gì .

Liên đưa hai tay bịt miệng kêu lên nho nhỏ :

-- Trời ơi. . . như vậy được sao thầy.

Thượng tọa Trí Cơ hừ một tiếng, nói :

-- Sao lại không được. Giấy này có thị thực của chính quyền địa phương và là Giấy Phép Giới Đàn của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh cấp đàng hoàng. Hơn nữa còn có cả Số Chứng Điệp của CĐ/TS/TƯ. GH đã được đăng ký trong sổ cái của Giáo Hội Trung Ương nữa đó. Không phải giả đâu. Bây giờ chỉ có điền tên cô Liên vào nữa là xong.

Liên hỏi :

-- Vậy con phải làm gì bây giờ ?

Thượng Tọa Trí Cơ cười lớn :

-- Ơ hay... làm sư bà chứ còn làm gì nữa.

Liên ngập ngừng nói :

-- Nhưng ... nhưng...

Thượng Tọa Trí Cơ lại cười hì hì, nói :

-- Còn nhưng... nhưng cái gì nữa. Cô Liên chẳng nói là muốn xuất gia ư. Bây giờ chịu thì coi như là đã xuất gia từ 10 năm trước rồi, theo tu học khóa này ở Ngân Hà Đại Cổ Mật 6 tháng là thành nữ Lạt Ma thôi, có gì đâu.

Liên lấy lại bình tĩnh hỏi :

-- Còn đầu tóc và quần áo thì sao hả thầy ?

Thượng Tọa Trí Cơ vẫn giữ nụ cười trên môi, nói :

-- Đầu thì cạo, quần áo thì ra phố mua hay may mấy hồi. Chỉ có điều cô Liên chịu xuất gia và làm thông dịch viên cho thầy trong 6 tháng tu học ở đây là tốt rồi.

Liên nói :

-- Chỉ có thế thôi sao thầy.

Thượng tọa Trí Cơ gật đầu.

-- Thế thôi.

Liên lại hỏi :

-- Thưa thầy, nhưng khi đã trở thành nữ Lạt Ma rồi thì con phải làm gì và ở đâu ?

Thượng tọa Trí Cơ lại cười hì hì, nói :

-- Thì cô muốn ở đâu thì ở chứ có sao đâu.

Thấy Liên ngẩn người ra, thượng tọa Trí Cơ lại cười nói tiếp :

-- À... hay là cô Liên muốn trở về Việt nam thì có thể ở chùa của thầy càng tốt. Ở chùa của thầy cũng có khu cho mấy bà vãi ở, nhưng mấy bà ấy già cả, lẩm cẩm cả rồi, chẳng giúp gì được cho nhà chùa bao nhiêu đâu. Nếu cô Liên chịu về đó thì còn gì hơn nữa.

Liên vui mừng lấy trong bóp ra một danh thiếp mà nàng đã ghi địa chỉ khách sạn và số phòng từ trước ở mặt sau, trao cho thượng tọa Trí Cơ .

-- Thưa thầy, đây là địa chỉ khách sạn của con đang ở tới ngày mốt. Nếu thầy có rảnh, ngày mai con xin đợi thầy tới gặp con. Bây giờ con phải trở ra xe bus để về rồi.

Nói xong Liên vái chào thượng tọa Trí Cơ rảo bước thật nhanh tới chỗ xe đang đậu. Lúc đó Xuân cũng đang ngóng nàng có vẻ nôn nóng lắm. Thấy chị, Xuân mừng rỡ bụm hai tay la lớn.

-- Chị Liên ơi, mau lên. Xe bus sắp chạy rồi nè.

Liên tới nơi, Xuân vội vàng kéo chị lên xe Bus ngay.

-- Chị là người cuối cùng đó. Gớm, bà này đi đâu mà quên cả đường về vậy không biết.

Liên cười hì hì đi vào ghế ngồi của mình. Trên đường về, nàng nghĩ miên man về câu chuyện của thầy Trí Cơ và cơ duyên xuất gia chớp nhoáng của nàng.

Bỗng nàng bật cười làm Xuân ngạc nhiên hỏi :

-- Có cái gì làm chị khoái trí cười hoài vậy. Bộ ông thầy đó tán chị hả ?

Liên quay qua đập mạnh vào vai em nói :

-- Tầm bậy nè. Bộ chú tiểu chụp hình cho mày có gì rồi hả ?

Xuân cười khúc khích .

-- Thằng Tài ăn nói cũng có duyên lắm đó. Nhưng tiếc rằng y còn con nít quá, nên làm sao dám tán bà chị nó.

Liên trợn mắt gắt nho nhỏ :

-- Mày nói cái gì. Người ta tu hành đó đồ khỉ .

Xuân định nói cho Liên nghe tất cả những gì mà Tài vừa thổ lộ với nàng lúc nãy. Nhưng nàng lại nghĩ. Bây giờ không nên làm cho Liên nản trí với những câu chuyện như vậy. Có thể làm hỏng chương trình xuất gia và thiết lập Cô Nhi Viện ở Việt Nam của chị em nàng. Vì nhất định nàng phải giữ chân Liên ở lại vùng đất Phật này mấy tháng nữa và Liên sẽ phải trở về Việt Nam xây chùa. Lúc ấy Đào mới có thể tung hoàng ở bên Mỹ với chương trình từ thiện của chị em nàng trong tương lai để hốt bạc.

Xe chạy một lúc. Cô hướng dẫn viên du lịch thấy không khí buồn tẻ và nặng nề quá, nên lên tiếng đề nghị có ai hát một bài cho vui không. Xuân dơ tay hỏi :

-- Tôi hát bằng tiếng Việt được không ?

Mọi người trong xe thích thú reo lên bằng lòng ngay. Có lẽ ai cũng muốn phá tan bầu không khí u ám này. Xuân nói thêm:

-- Nhưng sau khi tôi hát xong. Câu cuối cùng thì mọi người phải hát theo tôi có chịu không ?

Nhiều tiếng thích thú cười vang. Không khí trong xe tự nhiên náo nhiệt hẳn lên. Cô hướng dẫn viên du lịch hỏi.

-- OK , nhưng câu cuối cùng như thế nào ?

Hiên hát ngay .

-- À há a . . . à ha . . hà a.

Thế là mọi người trong xe đều bắt chước nàng hát ầm ĩ : À há a ... à ha.. hà a... rồi vùng lên cười như nắc nẻ.

Liên ra dầu cho mọi người im lặng rồi nàng cất cao tiếng hát :

-- " Năm anh em ta mang năm cái tên

Ấy khi lên xe không còn tên riêng nữa

Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa

Năm quả tim chung nhịp đập rộn ràng

Một con đường đất đỏ như son

Một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng

Một ý chí bay qua đầu ngọn sóng

Một niềm tin tất thắng trong trận này... à há a . . . (1)

Nàng vừa hát tới câu sau À há a . . . thì mọi người trong xe đều bắt nhịp hát theo nàng thật ầm ĩ .

À há a . . . à ha . . hà a....

Xe bus vừa vượt qua một chiếc xe nhỏ. Liên nhìn thấy năm nhà sư trong đó ló đầu ra ngoài. Há hốc mồm nhìn theo chiếc xe bus của đoàn du lịch này chạy qua. Có lẽ mấy ông sư này nghe được tiếng hát lộn sộn giọng điệu pháp âm của những du khách Mỹ trên xe này. . . ./.









.

3 views0 comments

Comments


bottom of page