top of page
Writer's picturehungson1942

NGƯỜI VỢ MA # 6

Updated: Jul 26, 2022


NGƯỜI VỢ MA # 6


Chương Sáu

Mấy tuần nay, ngày nào sau khi đưa Bưởi tới trường và Bình đi học đàn, Sinh cũng ghé qua Mỹ Kiều. Vì thời gian này không có ai ở nhà. Chàng rất hài lòng với công việc của gia đình ông Huy. Hai vợ chồng già luôn ở nhà và lo cơm nước, săn sóc thằng nhỏ. Còn năm thằng con trai lớn làm việc bất kể ngày đêm, mưa nắng. Chỉ mấy tháng mà cả khu nhà Mỹ Kiều đã được anh em họ trồng cả trăm cây chuối; tạo thành một trang trại qui mô hơn một mẫu đất như một rừng chuối. Cây cối cũng bắt đầu xanh um. Bây giờ họ đang trồng đu đủ những khu đất còn lại. Ngay từ đầu, Sinh đã tính đầu tư vào khu đất này để mai sau phân lô, bán nền, bởi vậy chàng chỉ cho trồng những loại cây thu hoạch mau lẹ, vì không trước thì sau, những cây trái này sẽ phải đốn bỏ đi để lấy đất bán. Cũng vì vậy mà công việc vườn tược chẳng có gì khó khăn với năm chàng thanh niên này. Và từ ngày Duyên bỏ đi, bà Huy là người phụ nữ duy nhất trong gia đình, nên hầu như công việc trong nhà đều do bà đảm trách. Bởi vậy bà ta không có nhiều thì giờ để ý tới thằng nhỏ nữa. Bà để mặc cho ông chồng già lo toan cho đứa bé. Gia đình lại có vẻ yên ổn hơn.

Còn Sinh hàng ngày sau khi quan sát một vòng khu đất. Sinh lại trở về nhà Mỹ Kiều. Bây giờ chàng đang dậy cho Mỹ Kiều tập thở theo phương pháp Mật Tông, để tiêu khiển thời gian không biết phải làm gì. Vậy mà Sinh không ngờ Mỹ Kiều lại thích thú với những bài học này như vậy. Nàng như trở thành con người mới với những kỹ thuật khai mở bẩy Luân Xa một cách bất ngờ. Hồi Sinh mới tới với Mật Tông, chàng học khai mở bẩy luân Xa phải mất cả năm mới nhuần thành. Vậy mà Mỹ Kiều tập chưa đầy ba tháng nàng đã đạt được mức độ đưa khí qua luân Xa số hai, giữa hai con mắt để sẵn sàng cho việc tập luyện khai mở Con Mắt Thứ Ba!

Điều này làm Sinh thích thú vô cùng. Như vậy là chàng có thể hướng dẫn nàng bước vào Nạm Đà La để cùng chàng sánh bước trong thời gian chàng tu tập Tối Thượng Du Đà Mật - Một Pháp môn thượng thừa của những cao đồ trong Mật Tông - Mỹ Kiều khi đó đương nhiên là người đồng tu của chàng. Đây là điều Sinh mong ước từ lâu, tìm được một người đồng tu như vậy. Bởi vì tu luyện Mật Tông có bốn phương pháp. Mặc dù tu phương pháp nào cũng đạt tới thành quả sau cùng giống nhau. Nhưng phương pháp đồng tu là kỹ thuật tối hậu, để giúp người tu tập Giác Ngộ ngay trong kiếp này.

Điều làm cho Sinh ngạc nhiên tới thích thú là vừa qua một trăm ngày. Giữa hai con mắt Mỹ Kiều đã xuất hiện điểm giao cảm nhô lên, khi nàng vận chuyển khí qua Luân Xa số hai! Điều này Sinh phải tu tập gần mười năm mới hoàn thành. Chàng có hỏi sư phụ - Một cao tăng trong Mật Tông – Được ngài cho biết; Trường hợp này rất hiếm xẩy ra. Chỉ có những người kiếp trước đã tu tập đạt tới trình độ đó, bây giờ tái sanh mới có.

Vậy là bây giờ Sinh và Mỹ Kiều bắt đầu bước vào giai đoạn đồng tu. Muốn cho có chỗ tu tập đàng hoàng, Sinh cho nới thêm căn nhà của Mỹ Kiều đang ở hai bên hông. Căn nhà trở thành ba gian hai trái rất bề thế. Căn nhà lại còn được kéo dài thêm phía sau nên tất cả có tới sáu phòng ngủ. Bởi vậy còn rất nhiều phòng bỏ không.

Tự nhiên Sinh nghĩ tới Bi. Hồi trước 75, lúc ấy nàng mới có khoảng 10 tuổi. Bi là một đệ tử ngoan ngoãn của Sinh. Vậy mà bây giờ nàng lâm vào hoàn cảnh của một phụ nữ phải gửi tới trường Phục Hồi Nhân Phẩm!

Chàng thấy tại sao mình không tới thăm người đệ tử bé bỏng của mình năm xưa. Nếu cho Bưởi và Bình gặp Bi. Chắc chúng mừng rỡ không siết.

Chàng đã đem chuyện này nói với bà Xuân và bà vui vẻ kêu Thiếu tá Đức hướng dẫn Sinh tới thăm nuôi Bi.

Không như những gia đình thăm nuôi khác. Sinh được sự giới thiệu của Đức nên mọi chuyện thực dễ dàng.

Bi sửng sốt thấy chàng và Bưởi cùng với Bình tới thăm. Nàng khóc sướt mướt, thảnh thốt kêu lên:

- Trời ơi …thầy Sinh… Cả hai đứa tụi mày nữa hay sao!

Quả thực gần một năm bị hành hạ trong trường Phục Hồi Nhân Phẩm. Bi không ngờ lại có ngày này. Hôm bị bắt vì đang đi khách, rồi giải giao tới đây. Bình đau khổ tới tận cùng, vì không biết hai đứa em ở nhà ra sao. Chắc chắn chúng chết đói. Vì mẹ nàng hơn hai ba tháng đã không về nhà. Một đứa bệnh tật, một đứa còn con nít thì làm sao mà sống được. Điều này đã làm nàng sống mà như đã chết, nên chỉ còn biết cắn răng tuân theo những kỷ luật nghiệt ngã của trại giam cho qua ngày tháng.

Lúc được Sinh và hai đứa em vào thăm. Kỳ hạn của Bi cũng còn hơn một năm nữa mới được thả. Đó là nàng phải sống chăm chỉ lao động và tạo nhiều kết quả thi đua tốt. Nếu không chưa chắc đã có ngày ra. Nhiều chị em ở đây ba bốn năm chưa được thả là chuyện thường. Vậy mà Sinh cho biết; chàng có thể chạy cho Bi được thả trong vài tuần nữa. Bi đã hứa với Sinh rằng: Khi ra ngoài, nàng sẽ làm lại cuộc đời, và dù cho có phải làm trâu bò phục vụ cho chàng suốt đời, nàng cũng vui lòng.

Sinh cũng nói với Bi là khi bảo lãnh nàng ra. Sẽ đưa Bi về khu đất của chàng để Bi sống với Mỹ Kiều, chứ nàng không được héo lánh tới khu nhà cũ nữa. Ở với Mỹ Kiều có sẵn việc làm cho Bi trông coi vườn tược và chàng sẽ trả lương tháng cho nàng đàng hoàng. Vì chàng không muốn dĩ vãng của Bi làm ảnh hưởng tới Hồng và các con. Đương nhiên là Bi chấp nhận một cách thích thú.

Và đúng như những gì dự tính. Hai tuần lễ sau, Sinh tới đón Bi về. Đức đã lo cho chàng bảo lãnh Bi thực dễ dàng.

Mấy tháng sau, Sinh phải trở về Mỹ lo thuế má cho cơ sở thương mại của chàng, cũng như Sinh cần phải khám sức khỏe tổng quát. Trước khi đi, Sinh đã mở trương mục cho bà Xuân chuyển thẳng tiền cho Hồng hàng tháng, và chàng tự động chuyển tiền vào chương mục cho con bà bên Mỹ. Chàng cũng không quên mướn một bác đạp xe cyclo trong xóm, hàng ngày đưa Bình và Bưởi đi học. Vì Hồng còn phải lo cho hai đứa con của nàng và tới trường Luật học nữa.

Mọi việc thu xếp xong, Sinh thảnh thơi lên đường trở về Mỹ. Trước khi đi, Sinh cũng nói với Hồng là lâu lắm là một tháng chàng sẽ trở lại. Nhưng thật không ngờ. Khi biết được hệ thống cắt tóc chàng đầu tư đang phát triển phi mã. Lúc trước cắt tóc 6 đồng. Nay tăng lên 8 đồng. Hồi trước đầu tư mở một tiệm chưa tới hai chục ngàn đô. Nay Frainchie tăng lên hơn một trăm ngàn đô một tiệm. Nhưng thực tế, xây cất một tiệm như vậy, chưa tới mười ngàn đô!

Cô nàng quản lý tiệm cho Sinh gặp chàng quýnh quáng lên, súi Sinh thiết lập một hệ thống cắt tóc riêng của mình theo như thể thức Frainchie này đang điều hành. Lẽ dĩ nhiên là Sinh bằng lòng ngay và đương nhiên cô ta trở thành Giám đốc hệ thống cắt tóc của chàng.

Cũng phải nói cô nàng này rất giỏi. Hồi đó đã từng làm phụ tá hành chánh cho một công ty lớn. Sau công ty đó đóng cửa, làm cô ta thất nghiệp cả năm trời. Túng cùng phải đi học thẩm mỹ và làm việc cho Sinh. Chàng biết khả năng của cô ta, nên cho đi học làm quản lý và phục vụ tại tiệm luôn cho tới nay.

Gặp cơ hội này như rồng gặp nước. Cô ta tổ chức hệ thống một chuỗi tiệm cắt tóc không khác gì hệ thống của Frainchie mà chàng đầu tư, mà tiền vốn bỏ ra chỉ bằng một phần mười. Gần sáu tháng sau. Sinh có tới trên ba mươi tiệm cắt tóc không khác gì tiệm chàng đầu tư của Frainchie nọ. Nhiều tiệm doanh thu còn cao hơn. Bởi vì các tiệm cắt tóc của chàng vẫn giữ giá 6 đồng nên cướp gần hết khách của hệ thống nọ. Bây giờ tính trung bình mỗi tháng sau khi trừ chi phí, thuế má, Sinh còn thu về được hơn hai, ba

trăm ngàn đô la mỗi tháng.

Quả thực đó là một thành quả bất ngờ mà Sinh không thế nào tưởng tượng được. Chàng giao hết công việc cho cô Giám đốc của mình và vui vẻ trở về Việt Nam hưởng phúc.

Bây giờ khí hậu Sài gòn thật mát mẻ, một tháng chỉ có vài ngày mưa. Không khí thật trong lành với không gian xanh của thành phố. Du khách mườm mượp ra vô tấp nập tại phi trường. Vì muốn tạo bất ngờ cho Hồng nên Sinh không báo trước ngày về.

Về tới nhà vào lúc xâm xẩm tối, vì máy bay bị trễ gần hai tiếng đồng hồ. Lúc chàng mở cửa ngoài sân, hai con chó nhào ra mừng rỡ. Sinh hớn hở bước vô nhà. Bỗng chàng khựng lại vì quang cảnh trước mắt. Hồng đang đứng trên cầu thang thủ thế. Nàng dùng chiếc đàn đã bể nát đánh xuống đầu Bình. Con nhỏ đang nhào lên tấn công nàng. Miệng nó gào lên thảm thiết.

- Sao cô đập vỡ cây đàn của cháu. Cháu giết cô…cháu giết cô.

Hai đứa con Hồng đứng trên bực thang sau lưng mẹ, mặt mày tái mét. Còn con Bưởi máu mê cùng mình. Hình như nó bị thương ở đầu, ngồi khóc dưới nền nhà.

Sinh chạy tới bên Bình nắm lấy nó, thét lên:

- Bình…Bình, con không được hỗn. Con không được hỗn với cô Hồng.

Con nhỏ thấy Sinh bất ngờ xuất hiện, nó mừng rỡ ôm chầm lấy chàng, khóc nấc lên, chỉ Hồng.

- Cô Hồng đánh con Bưởi chẩy máu, còn đập vỡ cây đàn của con.

Sinh cũng vừa nhìn thấy chiếc xe lăn của Bình lật ngang, chỏng gọng giữa nhà. Chàng lớn tiếng hỏi:

- Chuyện gi xẩy ra vậy em.

Hồng trợn mắt nói:

- Anh coi đó…nó.. nó còn đòi giết em kìa.

Sinh gắt:

- Nhưng chuyện gì xẩy ra mà em đánh chúng tới nông nỗi này chứ.

Hồng vẫn lớn tiếng.

- Chuyện gì à. Anh nói đi mấy tuần, nay hơn nửa năm rồi mới trở lại, để ở nhà hai con quỉ cái này làm loạn có biết không.

- Tụi chúng nó làm cái gì mà loạn?

- Tối ngày hai đứa nó bắt nạt con Hiền, con Hà. Đánh nhau dành coi TV chịu hết nổi rồi.

Sinh bực quá, la lớn:

- Có thế thôi mà em đánh chúng ra nông nỗi này à.

Hồng ré lên.

- Anh còn binh chúng nữa à. Sao không giỏi đi luôn đi, đừng về nữa cho chúng phá nhà luôn.

Sinh không chịu nổi nữa. Chàng đá mạnh chiếc valy vừa đặt xuống bên cạnh. Chiếc Valy bật tung, mở toang hoác. Đồ đạc, quần áo trong valy bắn tung tóe. Bưởi đang ngồi khóc dưới sàn nhà, sợ hãi nhào tới ôm lấy chân chàng.

- Bố…bố ơi bố.

Sinh nhìn con bé đang dụi đầu vô chân mình. Máu trên đầu còn đang rỉ ra dính cả vào người chàng. Sinh hết hồn, kéo chiếc xe Honda ra cửa, nói lớn.

- Bưởi, con leo lên xe bố chở đi nhà thương, máu đang chẩy ra kìa.

Bình cũng bò lại bên chàng. Sinh nói với nói:

- Con cũng leo lên xe đi, chú mua cây đàn mới cho con.

Bình mừng rỡ dơ tay cho Sinh bế đặt lên sau lưng chàng. Xe vừa chạy ra cửa. Hai con chó cũng chạy theo. Bình kêu lớn:

- Mập Vàng… Mập Vàng nhẩy lên xe đi.

Hình như con chó hiểu ý chủ, nó nhẩy tót lên xe ngồi sau Bình thật gọn. Có lẽ nó đã quen vì từ trước Sinh thường chở nó đi chơi bằng xe Honda rồi. Còn con chó đen thấy vậy cũng chạy theo xe ngay. Trời đã tối lắm rồi. Trong hẻm lao động dân chúng thường đi ngủ sớm để ngày mai thức dậy đi làm. Bởi vậy trên đường không một bóng người.

Sinh cho xe chạy từ từ để con chó đen chạy theo kịp chàng. Tới ngay ngã tư Phú Nhuận. Chàng cho xe chạy vào nhà thương ngay đầu đường, băng bó cho Bưởi. Vết thương được rửa sạch và băng bó gọn gàng. Nhưng bác sĩ cho biết sáng sớm mai, phải trở đi nhà thương trên Sài gon chiếu điện - Vì nhà thương này không có loại máy ấy – để xem vết thương có làm óc bị tổn thương không. Ông cũng cho hay; may mà vết thương chảy máu nhiều ra ngoài, nếu máu ứ động bên trong đầu có thể nguy hiểm tới tính mạng rồi.

Sinh chạy xe ra khỏi nhà thương mà lòng giận Hồng không tả. Chàng không ngờ nàng có thể cư xử với hai đứa nhỏ này như vậy. Chàng quyết định chở chúng thẳng tới nhà Mỹ Kiều, ít nhất đêm nay cho cơn giận nguôi ngoai phần nào. Sinh nhớ tới những lời Hồng gào lên giận dữ; Nói với chàng: “Có giỏi đi đâu thì đi luôn đi, đừng về nữa”, mà lòng chàng tê tái.

Còn Hồng khi thấy Sinh chở hai đứa nhỏ đi, nàng cũng vừa nhìn thấy đồ đạc trong valy đổ đầy nhà. Toàn là những thứ chàng mua cho nàng. Nào là quần áo, nước hoa, kẹo bánh. Hồng chợt thấy một chiếc hộp nữ trang lăn lóc bên valy. Nàng mở ra xem thì ra đó là đôi vòng cẩm thạnh bóng loáng mà nàng từng mơ ước. Trong valy tuyệt nhiên không có một thứ gì của chàng. Tự nhiên Hồng thấy hối hận vì những gì nàng vừa thối ra với chàng. Hồng chạy nhanh ra đầu hẻm theo Sinh, nhưng không còn thấy bóng dáng chàng đâu nữa. Nàng vội vàng trở về nhà lấy xe Honda đi tìm Sinh. Nhưng đi vòng vòng tới nửa đêm cũng không thấy chàng đâu. Bây giờ nàng chỉ biết ôm mặt khóc…

Những ngày kế tiếp. Hồng bỏ học đi tìm Sinh khắp Sài gon, những nơi chàng thường đem nàng tới. Như tiện kem, tiệm phở, chợ Bến Thành, Thảo Cầm Viên… mà tuyệt nhiên không thấy bóng dáng chàng đâu. Hồng đi tới nỗi mặt mày nám đen vì nắng, cũng chẳng có ích lợi gì. Nàng chán nản và lo lắng cùng cực. Hồng nghĩ không lý chàng đành đoạn bỏ nàng, chỉ vì câu nói lẫy trong lúc giận hờn đó hay sao. Tuy nhiên, nàng vẫn còn chút hy vọng, vì tiền trong chương mục ngân hàng của nàng vẫn được chàng chuyển vào đó đầy đủ như thường lệ.

Trong lúc khổ não đó, một hôm Hồng đưa con đi học về, thấy đứa em gái và chồng nó bế con, mặt mày ủ rũ, đứng chờ trước cổng nhà. Nàng ngạc nhiên hỏi:

- Ủa…tụi mày lên chơi hay có chuyện gì không?

Con em nàng mếu máo nói:

- Bố mất rồi chị Hồng ơi.

Hồng chới với, tự nhiên nước mắt trào ra lăn tròn trên hai má. Chồng bỏ đi, bây giờ bố lại qua đời. Không lý năm nay sui tận mạng như vậy sao.

- Bố mất thật rồi hả. Tại sao vậy?

- Dạ…bố trèo lên mái nhà sửa lại mái lá, bị lăn xuống đất, đập đầu vô cái búa, chết trên đường chở tới trạm y tế.

Hồng lật đật mở cổng vào nhà.

- Bây giờ xác bố để đâu.

- Người ta cho đem xác về nhà chờ chôn cất ạ.

Hồng lật đật nói.

- Bây giờ chắc chị phải tới đó ngay. Cho thằng chồng mày đi với chị. Còn mày ở đây giữ con và coi chừng nhà cho chị. Cơm nước có con Duyên lo.

Nói xong Hồng vội vàng thu xếp mấy bộ quần áo cho vào chiếc túi xách, rồi kêu Taxi ra bến xe đò đi về khu Kinh Tế Mới ngay.

Trời Sài gòn vẫn trong xanh. Không khí thật mát mẻ, gió lùa từng cơn mang theo sự thoải mái tới cho mọi người đi chợ mua sắm, sửa soạn sớm cho một lễ Giáng Sinh và năm mới sắp tới. Mỹ Kiều cõng Bình, đi cạnh Sinh dọc theo con đường mà mấy tháng trước, nàng còn lang thang ở đây bán giấy số. Bây giờ nàng không còn là con Mỹ đen lai, mặc đồ bà ba, đầu tóc bù xù, cầm tập giấy số đi mời từng người nữa. Nàng đã hóa thân thành một Mỹ Kiều, mặc đồ đầm, tóc cắt theo kiểu mới nhất của những minh tinh da đen ở Hollywood. Thân thể nàng thoát ra một mùi nước hoa đắt tiền.

- Em còn nhớ tiệm kem này không?

Mỹ Kiều cười hì hì.

- Có lẽ cả đời không bao giờ em quên được, hôm đó vào đây trú mưa lại được anh cho ăn kem ba mầu.

- Và sau đó em ăn đòn.

Mỹ Kiều cười lớn hơn.

- Nhờ có trận đòn đó mà em có ngày hôm nay. Lại được anh yêu thương như bây giờ.

- Vậy bây giờ chúng ta vô đây ăn kem nhé.

Bình tay ôm chặt cổ Mỹ Kiều, nhoài mình ra phía trước hỏi:

- Chú ơi ăn kem hả chú.

Sinh nhìn Bình gật đầu.

- Ừ…con có thích không.

- Dạ…thích. Con thích ăn kem lắm.

Hôm nay Chúa Nhật, trời lại đẹp như thế này vào dịp cuối năm, làm gì thiên hạ không đổ ra đường đông như thế. Mỹ Kiều nhìn dòng người chen chúc nhau xuôi ngược mà lòng rộn lên niềm vui vô hạn. Cầm ly kem ba mầu trên tay. Nàng lại nghĩ tới ly kem ba mầu định mệnh ngày hôm đó. Để rồi cuộc đời nàng đổi thay như bây giờ.

Đã mấy tháng nay Sinh ở lỳ trong nhà tu luyện chuyển Luân Xa với nàng, không dạo phố. Chỉ trừ có buổi sáng chàng chở Bình đi học đàn và tới thăm Bưởi đang nằm trong bệnh viện. Còn chàng không giao thiệp với ai. Thậm chí cả vườn cây Sinh cũng giao cho nàng và Bi trông coi đám con ông Huy canh tác. Mấy chàng thanh niên này bây giờ được Sinh trả lương tháng. Nên họ làm việc liên tục không còn kể giờ giấc gì nữa. Những hàng cây đu đủ đã lên bông, thẳng tắp từng hàng, và vườn chuối chung quanh nhà nàng đã một lần thương buôn tới mão cả vườn. Đó là chưa kể đàn gà thả đi tự do trong vườn ngày nào chúng cũng đẻ trứng cho mọi người ăn.

Hôm nay là ngày đầu tiên Sinh đi dạo phố, sau khi bỏ Hồng tới nhà Mỹ Kiều ở. Nhưng thật ra có lẽ vì chàng nôn nóng, không chờ ở nhà được cho tới giờ đi đón Bưởi từ nhà thương về nhà, nên Sinh dắt Mỹ Kiều và Bình ra phố cho giết thì giờ. Vì cuộc hẹn là 11:00 giờ trưa nay. Sinh dẫn Bình và Mỹ Kiều ra đi dạo phố để chờ tới trưa vào bệnh viện đón Bưởi về, chứ ngồi nhà chàng nôn nóng không thế nào chịu nổi.

Quả thực không ngờ tối hôm Bưởi bị Hồng đánh vào đầu; dù vết thương có làm máu chẩy nhiều, nhưng chàng nào biết; Sáng hôm sau Bưởi đã mất hết trí nhớ. Bác sĩ cho biết Bưởi đã bị trấn thương sọ não. Phải nằm nhà thương để điều trị, may ra khôi phục được phần nào. Thế là Bưởi phải nhập viện, nằm cho tới hôm nay mới được về. Con nhỏ đã tỉnh hẳn, khỏe mạnh, mập mạp. Nhưng những gì trong dĩ vãng hầu như nó rất mơ hồ. Khả năng nhận thức cũng đã bị giảm trầm trọng; coi như năng lực sáng tạo, điều khiển hành vi, tư duy trừu tượng không còn nữa. Kể cả sự phối hợp, lập kế hoạch hành động cũng không còn. Sự thực hành các hoạt động phức tạp trong sinh hoạt hàng ngày đã giảm mạnh. Ngoài ra nó còn ăn nói lắp bắp, lời nói mơ hồ, việc tìm từ ngữ, gọi tên đồ vật trở nên khó khăn. Đó là chưa kể nhiều khi mất đi khả năng đáp ứng ngôn ngữ và nhận thức: Bưởi không còn nhận ra và gọi tên đồ vật cũng như những người thân thuộc, Những công việc hàng ngày như mặc quần áo, vệ sinh cá nhân đều lệ thuộc vào người khác phải lo cho Bưởi.

Làm xong giấy xuất viện cho Bưởi, Sinh rất mừng mà cũng rất thương cảm cho tình trạng bây giờ của đứa con nuôi mình. Con nhỏ trắng muốt, thân thể đẫy đà của một thiếu nữ tuổi dậy thì. Vậy mà tâm thần như một đứa con nít lên ba. Tất cả những việc làm cá nhân tối thiểu nhất Bưởi cũng phải để người khác lo lắng cho mình. Nhưng chàng vẫn còn hy vọng vì bác sĩ nói; nếu săn sóc Bưởi chu đáo. Có thể nàng hồi phục rất nhanh. Bây giờ Bưởi đã biết gọi Sinh bằng bố.

Để mừng cho ngày Bưởi trở về. Sinh đưa tất cả mọi người lên Chợ Lớn ăn cơm Tầu. Người mừng rỡ nhất có lẽ là Bình, nàng luôn miệng cười nói lứu lo, gắp món này, chỉ món kia làm cho Bưởi cũng vui lây, vỗ tay bắt chước chị, miệng lắp bắp:

- Ăn…ă.n n.à.y.. ăn này bố.

Sinh và Mỹ KIều thay nhau gắp thức ăn đút vô miệng Bưởi. Cô nàng ăn uống thật tham lam, nét hân hoan luôn biểu hiện trên khuôn mặt ngay ngô của nàng. Nhiều khi Bưởi thích thú quá, nhào cả lên bàn đưa tay cùa quạng nắm bắt đồ ăn làm Sinh và Mỹ Kiều phải ngăn nàng lại.

Trở về nhà được mấy bữa. Sinh đề nghị Mỹ Kiều theo chàng mang Bưởi và Bình ra Vũng Tầu nghỉ ngơi ít lâu. Đương nhiên Mỹ Kiều mừng lắm. Từ ngày lớn lên tới giờ chưa bao giờ nàng được ra Vũng Tầu nghỉ mát.

- Anh tính đi bao lâu và chừng nào đi?

Sinh mỉm cười.

- Cũng chưa biết. Vui thì ở. Chán thì về, có gì trở ngại đâu. Nhà cửa, vười tược có con Bi coi sóc hết rồi. Ba cái vụ này nó được huấn luyện rất thành thạo trong trường Phục Hồi Nhân Phẩm rất kỹ càng, kiểm soát đám con ông Huy làm việc còn khá hơn em nhiều.

- Anh tính đi xe đò hay mướn xe riêng.

Sinh lắc đầu.

- Không, chúng ta đi tầu cao tốc, gọn gàng và chỉ mất hơn tiếng đồng hồ là ra tới Vũng Tầu rồi.

Mỹ Kiều có vẻ thích thú.

- Em chưa được đi tầu cao tốc lần nào. Nó đậu ở đâu hả anh.

- Tầu cao tốc đi Vũng Tầu đậu ở bến Bạch Đằng. Cứ vài giờ lại có một chuyến. Hoặc là đông khách là họ khởi hành ngay.

Sáng hôm sau Sinh, Mỹ Kiều cùng Bưởi và Bình tới bến Bạch Đằng lên tầu cao tốc đi Vũng Tầu. Bình còn mang cả xe lăn và cây đàn của nàng theo.

Qủa thực Vũng Tầu làm cho Sinh có cảm giác bình yên, dễ chịu. Một bên là biển xanh bát ngát, bãi cát mênh mông trải dài nắng ấm. Một bên là những ngọn núi nhỏ, núi to hùng vĩ. Sinh kêu Taxi chở mọi người tới khách sạn Paradise Vũng Tàu nằm ngay ở góc đường Thùy Vân và Nguyễn An Ninh, sát mé biển. Chàng chọn phòng có hai giường lớn. Ban công nhô ra phía ngoài có thể ngồi ngắm thiên hạ tắm biển thoải mái. Mỹ Kiều thích thú kêu lên:

- Em chỉ cần đứng đây coi thiên hạ tắm biển cũng thấy sung sướng rồi.

Sinh tới sát phía sau Mỹ Kiều. Vòng tay ôm lấy eo nàng.

- Còn nằm với anh không sung sướng sao.

Mỹ Kiều ré lên nho nhỏ. Nàng quay người lại. Ôm ghì lấy chàng.

- Cái anh này.

- Bây giờ còn sớm, nắng lại đẹp quá. Chúng ta đi tắm biển nhé.

Bình trong phòng đẩy xe lăn tới cạnh Sinh.

- Con tắm biển nữa chú.

Bưởi cũng theo chị, ấp úng:

- Tắm…t.ắ.m.

Sinh buông Mỹ Kiều ra, choàng tay ôm lấy Bưởi, nhấc bổng nàng lên xoay một vòng.

- Ừ…tắm. Chúng ta đi tắm biển nhé con gái.

Bình vỗ tay reo lên.

- Hay quá…hay quá, được đi tắm biển.

Mỹ Kiều ngồi xuống cho Bình leo lên vai, nàng cõng Bình theo Sinh và Bưởi ra thang máy xuống bãi biển. Nước biển mát lạnh. Từng đợt sóng nhấp nhô. Sinh bế Bưởi đi ra xa một chút. Bỗng một ngọn sóng ập tới quật ngã cả hai cha con. Sinh vội vã ôm cứng Bưởi nhào vô bờ. Cả hai cùng sặc sụa.

Bưởi nhắm mắt, miệng phun phèo phèo, hai tay vuốt mặt lia lịa, la lên:

- Con sợ quá hà bố ơi. Không tắm biển nữa đâu.

Sinh ngạc nhiên, mừng rỡ.

- A…Bưởi, Bưởi con nói được rồi hả?

Hai tay Bưởi vẫn vuốt mặt liên tục.

- S.ợ….sợ tắm rồi.

Sinh ôm chặt con nhỏ chạy lên bờ. Trong khi đó Mỹ Kiều và Bình cũng không khá gì hơn Sinh. Cả hai cô cháu bị sóng đánh té bò càng. Cùng sặc sụa, nhào lên bờ. Cười ha hả.

Sinh đặt Bưởi ngồi xuống bãi cát. Chàng mừng rỡ vì Bưởi đã nói được mấy câu. Nhưng sau đó lại ấp a, ấp úng. Kinh nghiệm nghề nghiệp trong ngành y tá cho Sinh biết; tình trạng này, Bưởi có thể bình phục sau một thời gian dưỡng bệnh, chứ không hẳn bộ óc của nàng bị hủy hoại hoàn toàn. Chàng vui mừng nói:

- Con không muốn tắm biển nữa, vậy ngồi đây nghịch cát nhé.

Bưởi cười hì hì, nét mặt thật ngây ngô.

- N.g.h.ị.c.h . . . n.g.h.ị.c.h cát.

Bình cũng bò tới chỗ em.

- Chị cũng không tắm biển. Chúng mình đào hố nhé.

Bưởi gật đầu lia lịa. Thích thú.

- Ừ…ừ.

Thấy hai đứa nhỏ lấy tay bới cát. Sinh chạy tới chỗ bán đồ cho người tắm biển, mua một bộ đồ chơi bằng nhựa cho chúng. Có đủ cuốc, xẻng, sô múc nước… Cả hai đứa nhỏ thích thú thi nhau đào một cái hố cạnh chúng, không để ý tới ai nữa.

- Bây giờ chúng mình tắm biển chứ.

Mỹ Kiều cười hì hì.

- Tắm thì tắm chứ em sợ gì. Lúc nãy bị cõng con Bình mới té, chứ bây giờ còn lâu.

Sinh nắm tay Mỹ Kiều, cả hai chạy nhanh ra biển. Những con sóng ập tới nhưng không quật ngã được họ. Mỗi lần sóng sô tới, cả hai cùng nhẩy lên trên ngọn sóng cười hả hê…

Mặt trời đã lên khá cao. Sinh nắm tay Mỹ Kiều lên bờ. Chàng ngồi xuống bên hai đứa nhỏ.

- Bây giờ tụi mình đi tắm nước ngọt rồi ăn trưa nhé. Mình mẩy các con toàn cát không hè.

Bình nhìn chiếc hố cả hai chị em cùng đào sâu tới đầu gối, tiếc rẻ.

- Đi ăn hả chú.

- Ừ…tắm rồi đi ăn.

Bưởi cũng cười.

- Đi…đi..ăn.

Sinh nói:

- Hôm nay chúng ta sẽ ăn món tôm hùm sốt-bơ-tỏi. Ở nhà hàng này họ cho chúng ta tự chọn những con tôm hùm mình thích, còn bơi trong bể chứa. Mỗi con cũng phải nặng tới hơn một ký. Sau đó đầu bếp mới đem đi làm sạch, chẻ dọc con tôm rồi ướp và quét gia vị bơ, dầu oliu, tỏi lên phần thịt tôm đem nướng. Chỉ khoảng 15 phút sau là chúng ta có một đĩa tôm hùm thịt rất dai và thơm phức.

Mỹ Kiều tự nhiên nuốc nước miếng.

- Đi anh. Đừng nói nữa làm em thèm nhỏ rãi rồi nè.

Đúng như những gì Sinh nói. Sau khi mọi người thích thú chọn nhưng con tôm hùm bơi lội khỏe mạnh, thân thể bóng loáng trong bể chứa. Đầu bếp mới đem đi nướng và chẳng mấy chốc mỗi người có một đĩa tôm hùm thơm phức trước mặt.

Bữa ăn thật khoái khẩu làm tất cả ăn uống no nê mà vẫn còn thèm thuồng. Sau bữa ăn, tất cả trở về khách sạn, ngủ một giấc cho tới chiều mới thức dậy. Thời gian này ánh nắng chói chang đang dần dần lặn xuống trên mặt biển, bầu trời chuyển từ vàng sang đỏ tím như nhuộm buồn cả không gian. Thật là một vẻ đẹp đầy ma mị và huyền bí. Gió cũng thổi từng đợt nhẹ nhàng hơn. Trên trời xa xa, từng đàn chim bay về tổ. Những cụm mây lờ lững trôi nhẹ như đang cùng vạn vật đón chào hoàng hôn.

Ngồi sát nhau trên ban công, Mỹ Kiều ngả đầu trên vai Sinh thì thầm:

- Phong cảnh hoàng hôn ở đây đẹp tuyệt vời phải không anh.

Tối hôm ấy, chờ cho hai đứa nhỏ ngủ say. Mỹ Kiều bò sang giường Sinh. Hơi thở hừng hực nóng hổi của nàng làm Sinh thức giấc. Chàng thích thú ôm ghì lấy nàng. Bờ môi ấm áp tham lam của Sinh làm Mỹ Kiều rên lên ngay giây phút đầu…

Vui chơi ở Vũng Tầu cho tới gần lễ Giáng Sinh. Có lẽ những nơi nổi tiếng nhất của Vũng Tầu, Sinh đã dắt Mỹ Kiều và hai cô mỹ nữ ngơ ngơ, ngáo ngáo đi qua. Hôm nay chàng đề nghị để du lịch vào mùa Đông, có lẽ không đâu bằng đảo Phú Quốc. Nhất là dịp lễ Giáng Sinh này. Khu phố Sonasea ở đó được trang trí mầu sắc muôn hồng ngàng tía. Vào ban đêm, Sonasea là phố đi bộ được khoác lên tấm áo lung linh huyền ảo với những đèn mầu, bong bóng đủ loại; mang chủ đề biển cả được trang trí vô cùng sắc xảo.

Bãi Trường này chỉ cách sân bay khoảng năm, bẩy phút lái xe. Phải nói thời gian này tới nghỉ mát tại bãi Trường là sự lựa chọn thích thú nhất, vì đây là mùa bãi Trường đẹp nhất trong năm, với mặt biển tĩnh lặng, sóng gợn lăn tăn.

Sinh đặt phòng tại Mường Thanh Luxury Phú Quốc Hotel. Ngay từ lúc mới tới, từ trong phòng ngủ nhìn ra ngoài, đã thấy cảnh hoàng hôn đẹp tuyệt vời; bầu trời chuyển sắc và phản chiếu trên mặt biển, tạo cho con người một cảm giác lãng mạn ngất ngây khôn tả.

Tối hôm ấy, cả nhà lại ra nhà hàng ven bãi biển ăn gỏi cá trích, nhum nướng mỡ hành, cua hoàng đế. Những món đặc sản này nấu nướng đơn giản, nhưng cực kỳ lạ miệng. Có lẽ chỉ ở đây mới có hương vị này.

Những cơn gió nhẹ hưu hưu từ biển thổi vào. Ánh đèn le lói của những chiếc tầu đánh cá xa xa ngoài biển chập chờn, sóng nước lăn tăn trải dài tới bãi cát vào bờ, tạo nên khung cảnh thật lãng mạn, nên thơ.

Mỹ Kiều nhìn Sinh say đắm.

- Em thích nơi này quá. Thật an bình, thơ mộng phải không anh.

Sinh mỉm cười.

- Nhất là em đang yêu.

Mỹ Kiều cười khúc khích.

- Chỉ yêu có mình anh thôi.

Quả thực Sinh không ngờ, tới tuổi này mà hôm Mỹ Kiều bò qua giường chàng, nàng vẫn còn con gái. Sáng ra, trên khăn trải giường hằn lên những đóm máu trinh nguyên làm Sinh kinh ngạc.

Ăn uống xong, Sinh hỏi:

- Mọi người còn sức qua phố đi bộ Sonasea không. Bây giờ là lúc họ trang trí cho lễ Giáng Sinh tuyệt vời đó. Đối diện với khách sạn của mình đang ở thôi.

Mỹ Kiều thích thú.

- Đi…đi anh.

Bình cũng nói.

- Con cũng thích dì Mỹ Kiều cõng con đi.

Bưởi vỗ tay như một đứa trẻ.

- Đi…đi bộ hả bố.

Tối nay khách đi bộ nơi đây đa số là người nước ngoài. Đủ mọi sắc tộc. Nhưng được mọi người chú ý nhất có lẽ là nhóm của Sinh. Một anh Việt Kiều, đi với một chị Mỹ đen lai, cõng theo một cô nàng Việt xinh sắn liệt cả hai chân. Còn anh Việc Kiền ôm xà nẹo một thiếu nữ tuổi đôi mươi mà khuôn mặt ngơ ngơ ngáo như con nít.

Mỹ Kiều nhìn những hàng quán dọc bên đường tiếc dẻ nói:

- Lúc nãy chúng mình ăn nhiều quá, căng bụng rồi. Bây giờ thấy người ta bầy bán thức ở đây thèm quá mà ăn không được.

Sinh cười.

- Vậy tối mai mình để bụng đói tới đây lo gì. Khu này ngay trước cửa khách sạn chứ có đâu xa.

Bình nghe Sinh nói thích thú:

- Tối mai chúng mình lại tới đây ăn hả chú.

Sình gật đầu.

- Ừ…Tối mai cháu để bụng đói mà ăn nhé.

Bưởi bá vai Sinh, cười khúc khích.

- Con…con thích ăn.

Đi dọc theo con phố với những hàng quán, bàn ghế bầy la liệt ngoài trời gần một tiếng, làm mọi người đã mỏi chân, nhất là Mỹ Kiều phải cõng Bình. Sinh thấy một tiệp Spa nên đề nghị.

- Mỏi chân quá rồi, hay là chúng ta vô tiệm Massage này cho họ đấm bóp nhé.

Bình hỏi:

- Tiện Massage mà đám bóp là cái gì hả chú.

Mỹ Kiều cười hì hì.

- Đó là nơi người ta cho mình tắm bằng hơi nước nóng, rồi có người đấm bóp cho mình đỡ mỏi đó cháu.

Bưởi vỗ tay thích thú.

- Đấm . . . Bóp cho đỡ mỏi hả cô.

Vô tiệm Spa, cả bốn người cùng cởi hết quần áo, chỉ khoác trên mình một cái khăn lớn rồi vô phòng tắm hơi. Chỉ vài phút sau ai nấy mồ hôi ra nhẽ nhại.

Bình cười khúc khích.

- Cái này giống như hồi bị bệnh, mẹ bắt trùm chăn xông thuốc quá.

Sau đó tất cả đi tắm lại bằng nước lạnh và nằn xuống cho mấy cô đấm bóp. Không ai thích thú hơn là Mỹ Kiều. Từ hồi nào tới giờ nàng nghe nói rất nhiều về dịch vụ này. Nhưng đây là lần đầu tiên mới được hưởng thụ những phút thư dãn tuyệt vời đó. Nhất là từ sáng tới giờ, phải cõng Bình đi bộ khá mệt mỏi.

Tối hôm đó mọi người trở về khách sạn ngủ say như chết. Tới gần sáng, Mỹ Kiều thức dậy, nàng lại bò qua giường Sinh và Bưởi đang ngủ. Mỹ Kiều ôm lấy Sinh cho tới khi ánh nắng le lói ngoài cửa sổ, cả hai mới kéo nhau ra coi mặt trời nhô lên trên mặt biển. Tiếng sóng biển ỳ ào, tiếng gió lao xao, dường như trời đất đang tấu lên giai điệu tuyệt vời nhất, để đón chào ánh sáng bình minh khi những tia nắng mới vừa ló rạng.

Ở lại Phú Quốc tới gần Tết Nguyên Đán, Sinh nhận được điện thoại của bà Xuân.

- Alô…chú Sinh đó phải không.

- Dạ…thưa chị em đang nghe đây ạ. Có việc gì không hả chị.

- Anh chị muốn gặp chú có được không.

- Dạ, thưa chị tụi em đang ở Phú Quốc. Nhưng sáng mai bay về thành phố rồi ạ. Anh chị muốn gặp em ở đâu ạ.

- Tụi tôi tới nhà chú đi nhá.

Sinh vội nói:

- Chúng em về thành phố nhưng chắc không về nhà.

- Vậy chú ở đâu.

- Tụi em chắc thuê phòng trên khách sạn Palace Hotel trên đường Nguyễn Huệ để đón Tết chị ạ.

- Sướng há…vậy về rồi điện thoại cho anh chị gặp ngay nhé.

- Vâng ạ, chào chị.

Sáng hôm sau về tới Sàigon, Sinh gọi điện thoại cho bà Xuân ngay. Ai ngờ lúc ấy hai ông bà đang đi mua sắm Tết ngay chợ hoa Nguyễn Huệ, thế là chưa đầy mười lăm phút sau, Sinh đã gặp vợ chồng ông bà Xuân tại nhà hàng trên sân thượng khách sạn Palace Hotel.

Ông Xuân gặp Sinh cười ha hả.

- Hồi này chú sướng quá. Đi du lịch cả năm, về tới nhà còn mướn khách sạn ăn Tết thì hết xẩy rồi.

Sinh cười hì hì.

- Chào anh chị. Cực chẳng đã, em phải đưa hai đứa nhỏ đi thay đổi không khí để dưỡng bệnh thôi mà. Không hiểu anh chị gặp em hôm nay có chuyện gì không ạ.

Bà Xuân nói ngay.

- Tháng tới đứa con gái chị cũng theo thằng anh nó qua Mỹ du học. Nên chị muốn nói với em bây giờ mỗi tháng em chuyển cho chúng nó hai ngàn đô nhé.

Sinh gật đầu ngay.

- Ôi, tưởng chuyện gì, có thế mà anh chị cũng bận tâm.

Bà Xuân lắc đầu, ngắt lời Sinh.

- Hàng tháng là như vậy. Nhưng anh chị muốn mua cho chúng nó chiếc xe để đi học. Chứ con gái mà đi xe Bus như anh nó năm ngoái cũng không tiện.

Sinh cười hì hì.

- Chị không tính mua xe Mercedes-Benz cho tụi nó chứ?

Ông Xuân cười ha hả.

- Để khi nào chúng thành Thái tử Đỏ rồi mới tính. Bây giờ có chiếc Toyota để đi học là tốt rồi.

- Dạ thưa anh, như vậy cũng chẳng bao nhiêu, theo em biết xe Toyota trên dưới hai chục ngàn là cũng tốt rồi. Vậy tháng này để em chuyển luôn hai mươi lăm ngàn đô cho các cháu.

Ông Xuân chồm mình qua bắt tay Sinh.

- Vậy thì quá tốt rồi. Mấy bữa nay chị chú cứ lo lắng mãi về vụ này.

- Dạ… thưa anh chị có bao nhiêu đâu, nghĩ ngợi làm chi cho mệt.

Ông Xuân gật đầu có vẻ hài lòng lắm. Ông lại hơi chồm về phía Sinh nói nhỏ lại.

- Bây giờ chú nghe anh nói. Cái này mà chú giúp được anh chị mới là quan trọng.

- Dạ…việc gì vậy anh. Nếu em có thể làm được cho anh chị, nhất định không dám từ chối đâu.

- Vậy thì tốt. Anh thú thực. Cho tới nay anh đã mang hàm Đại Tá gần năm năm rồi. Bây giờ chỉ có hai con đường. Nếu sang năm không lên tướng thì phải về hưu vì anh đã lớn tuổi. Còn lên tướng, chắc chắn sẽ chạy được vào Bộ Chính Trị và ít nhất lúc đó không làm Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố này, cũng chuyển về bộ làm lớn hơn bây giờ.

Sinh ngắt lời ông Xuân.

- Như thế thì em làm được cái gì đây. Anh biết em chỉ là một thằng Việt kiều có tí tiền thôi phải không.

Ông Xuân gật đầu.

- Biết…biết chứ. Nhưng chú phải nghe anh nói hết đã.

- Dạ…anh nói đi.

- Từ Đại tá lên cấp tướng là chuyện gay go nhất trong cuộc đời phục vụ của một cán bộ. Có tới hơn 90% là phải về hưu. Tuy nhiên, mình biết phấn đấu thì lại khác. Anh đã dự định rồi; Lần này anh đệ trình một đề án lên chính phủ để xây dựng một Khu Công Nghệ Cao, không những cho thành phố mà còn vực dậy luôn được cả nền kinh tế cho cả nước. Khu này sẽ được xây dựng bên xa lộ Đại Hàn, chỉ cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 15 cây số, cách cảng Cát Lái 4 cây số và cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 18 cây số thôi.

Nơi đây dự tính sẽ phát triển trong tương lai tập trung vào một số ngành như: Viễn thông; Cơ khí chính xác – Tự động hóa; Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; Năng lượng mới – Vật liệu mới – Công nghệ Nano - Vi điện tử - Công nghệ thông tin. Để hấp dẫn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, một công trình lớn lao như vậy trên giấy tờ, chắc chắn ít có hy vọng ai tin tưởng. Bởi vậy anh mới phải nhờ chú giúp sức. Anh dự tính; chúng ta cho xây một nhà máy lắp ráp và sản xuất xe gắn máy thật qui mô; có thể mướn cả chục ngàn nhân công. Chú đừng lo vấn đề kỹ thuật và vật liệu, cũng như khâu nhập cảng các vật liệu trên. Chỉ cần chú chi một số ngoại tệ nhập cảng máy móc, vật liệu lúc ban đầu là mọi chuyện chắc chắn thành công. Nhất là chú đứng tên nhân danh là một Việt Kiều bên Mỹ về xây dựng quê hương, đó là điều quan trọng để chiêu dụ các công ty ngoại quốc.

Đương nhiên các vấn đề khác như thuê đất xây dựng xưởng máy từ chính phủ, thuế má và ngay cả khâu tiêu thụ xe gắn máy anh chị cũng sẽ bao dàn luôn. Bởi vì chú biết rằng; hiện nay dân chúng có chiều hướng dùng xe gắn máy. Vậy mà các công ty nhập cảng bây giờ phải nhập cảng nguyên chiếc, nên chịu thuế rất cao. Chúng ta mang nhãn hiệu Việt Nam. Nhập cảng phụ tùng về lắp áp bằng công nhân người mình thì giá thành của một chiếc xe chúng ta sản xuất chỉ bằng 1/3 giá xe thị trường bây giờ. Không thế nào thất bại được.

Sinh hỏi:

- Vậy thì công ty sẽ là do liên doanh giữa em và anh chị phải không.

Ông Xuân lắc đầu.

- Không hẳn như vậy. Trên giấy tờ, chỉ có mình chú thôi. Tuy nhiên, anh chị sẽ là người tổ chức Ban Điều Hành và hoạt động phía sau. Chúng ta hùn vốn lời ăn, lỗ chịu. Tiền Việt Nam thì anh chị không thiếu, chia nhau 50/50.

- Anh chị có thấy như vậy quá thiệt thòi cho mình lắm không?

Ông Xuân cười khà khà.

- Chú quên là mục đính của đề án này là để anh chạy lên cấp tướng sao. Khi thành công, với đề án qui mô này, chẳng những được thăng tướng mà còn hy vọng được đề cử vô Bộ Chính Trị nữa. Chú thấy anh chị có thiệt thòi không.




5 views0 comments

Comments


bottom of page